Thông qua Nghị quyết thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của 10 tỉnh
Chính trị - Ngày đăng : 18:45, 13/02/2023
Cuối buổi chiều, sau phần thảo luận, UBTVQH đã biểu quyết thông qua 10 Nghị quyết về việc thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính đối với 10 tỉnh nói trên.
UBTVQH thông qua Nghị quyết thành lập, điều chỉnh đơn vị hành chính 10 tỉnh
Trước đó, trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: các đơn vị đề nghị thành lập đơn vị hành chính đô thị của 09 tỉnh đều có vị trí giao thông thuận lợi, là trung tâm tổng hợp hoặc chuyên ngành của các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện mà đơn vị đó trực thuộc, có lợi thế trong phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch.
Trong đó: Tỉnh Bình Dương: Thị xã Tân Uyên là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa phía Đông Nam của tỉnh.
Tỉnh Bắc Ninh: Huyện Thuận Thành được quy hoạch là đô thị công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nam sông Đuống của tỉnh; huyện Quế Võ được quy hoạch là đô thị công nghiệp, dịch vụ, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng bắc sông Đuống của tỉnh.
Đối với tỉnh An Giang: Huyện Tịnh Biên là huyện biên giới được quy hoạch là đô thị động lực của khu vực biên giới Tây Nam của tỉnh; các xã Đa Phước, Hội An là trung tâm đô thị của các huyện An Phú, Chợ Mới.
Đối với tỉnh Quảng Nam: xã Quế Trung (khi thành lập thị trấn đổi tên là Trung Phước) là trung tâm huyện lỵ của huyện Nông Sơn; các xã Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh, Điện Phương giáp với các phường thuộc thị xã Điện Bàn và thành phố Đà Nẵng, được quy hoạch là khu vực nội thị mở rộng của thị xã Điện Bàn.
Đối với tỉnh Vĩnh Phúc: Các xã Kim Long, Tam Hồng là trung tâm đô thị của các huyện Tam Dương, Yên Lạc; xã Định Trung giáp với các phường nội thành, được quy hoạch thuộc đô thị lõi của thành phố Vĩnh Yên.
Đối với tỉnh Thái Nguyên: Xã Hóa Thượng là trung tâm huyện lỵ của huyện Đồng Hỷ; khu vực thị trấn Quân Chu mở rộng (gồm xã Quân Chu và thị trấn Quân Chu) được quy hoạch là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Nam của huyện Đại Từ.
Đối với tỉnh Bến Tre: Xã Phước Mỹ Trung là trung tâm huyện lỵ của huyện Mỏ Cày Bắc; các xã Tiên Thủy, An Thủy (khi thành lập thị trấn đổi tên là Tiệm Tôm) là trung tâm đô thị của các huyện Châu Thành, Ba Tri.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp.
Đối với tỉnh Bắc Kạn: Xã Vân Tùng là trung tâm huyện lỵ, trung tâm văn hoá, chính trị của huyện Ngân Sơn.
Đối với tỉnh Đắk Lắk: Xã Pơng Drang là trung tâm đô thị phía Nam của huyện Krông Búk.
Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc thành lập các ĐVHC đô thị và điều chỉnh địa giới ĐVHC tại 10 tỉnh đều phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Liên quan đến việc thành lập TAND, Viện KSND tại các ĐVHC đô thị cấp huyện, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC đã có Tờ trình gửi UBTVQH.
Ủy ban Tư pháp cũng đã có văn bản tham gia thẩm tra, trong đó thống nhất với đề nghị của Chánh án TANDTC và Viện trưởng Viện KSNDTC về việc thành lập TAND, Viện KSND thành phố Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), thị xã Thuận Thành, thị xã Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh), thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang) trên cơ sở TAND, Viện KSND thị xã Tân Uyên, huyện Thuận Thành, huyện Quế Võ và huyện Tịnh Biên.
Về nâng cao chất lượng đô thị ở các ĐVHC đô thị dự kiến được thành lập, UBPL đề nghị chính quyền 09 tỉnh cần tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội cho các ĐVHC đô thị dự kiến được thành lập để sớm đạt mức yêu cầu…bảo đảm chất lượng đô thị, đáp ứng yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về việc thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC, UBPL cũng đề nghị chính quyền địa phương tại 10 tỉnh cần chủ động rà soát, nghiên cứu xây dựng phương án, kế hoạch sắp xếp đối với các ĐVHC chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong Kết luận số 48-KL/TW/2023 của Bộ Chính trị, tránh việc lấy lý do vì có các ĐVHC mới được thành lập để không thực hiện việc sắp xếp, đặc biệt là những địa phương có số lượng ĐVHC cần sắp xếp khá lớn.
Trong quá trình rà soát, đề nghị các địa phương cần quan tâm, lưu ý cả các ĐVHC có địa hình chia cắt, không thuận lợi cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân và công tác quản lý của chính quyền địa phương, để kết hợp có phương án điều chỉnh địa giới ĐVHC hoặc sắp xếp cho phù hợp ngay trong đợt sắp xếp ĐVHC sắp tới.
Báo cáo giải trình thêm một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng Đề án.
Tới đây, các đơn vị hành chính thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính sẽ thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo các thủ tục hành chính, hoạt động của người dân được thông suốt.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận một số nội dung.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đây là thời điểm cuối cùng để thành lập, nhập, các đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Các hồ sơ, trình tự thủ tục xây dựng các đề án đảm bảo thực hiện chặt chẽ theo quy định; quá trình thẩm tra thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc.
UBTVQH đồng ý thời điểm có hiệu lực từ của 9 Nghị quyết từ 1/10/2023. Riêng Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính giữa xã Ngũ Lạc và Long Khánh thuộc huyện Diên Hải, tỉnh Trà Vinh sẽ có hiệu lực từ 1/3/2023. UBTVQH cũng đề nghị, Bộ Nội vụ cần lưu ý, rà soát những nơi không thuận lợi về địa lý bị chia cắt phải điều chỉnh sớm cho nhân dân.