Phiên họp thứ 20, UBTVQH đánh giá về hai kỳ họp bất thường của Quốc hội
Chính trị - Ngày đăng : 09:53, 13/02/2023
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa và kỹ lưỡng, phiên họp thứ 20 của UBTVQH dự kiến tiến hành trong 3 ngày, xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp
Thứ nhất, UBTVQH cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 03 dự án luật, bao gồm: Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Luật Phòng thủ dân sự lần đầu tiên ban hành, nâng lên từ nghị định của Chính phủ; hai luật còn lại (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử) đã ban hành từ rất lâu . Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đồng chí quan tâm, cho ý kiến kỹ về tính thống nhất của từng dự án luật với hệ thống pháp luật hiện hành, phân định rõ phạm vi để bảo đảm không chồng chéo với các luật khác; các nội dung trong luật phải cố gắng càng chi tiết càng tốt để tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thi hành, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi, có tính khả thi, tính dự báo, theo kịp với xu thế của thế giới và vẫn phù hợp với thực tiễn Việt Nam, thể chế đúng như tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương về việc xây dựng “hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững”, “tăng cường xây dựng các đạo luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp”.
Thứ hai, UBTVQH xem xét, cho ý kiến, quyết định 10 nội dung khác theo thẩm quyền, bao gồm: Xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Kiểm toán nhà nước là lĩnh vực mang tính chuyên môn cao, có đối tượng và phạm vi rất rộng. Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này mang tính đặc thù và hiện có xu hướng gia tăng. Việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước là thực hiện đúng quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Cơ quan chủ trì thẩm tra đã tích cực, chủ động phối hợp để hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh trước khi trình UBTVQH. Đề nghị UBTVQH nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ, tài liệu, cho ý kiến cụ thể về các nội dung để có thể biểu quyết, thông qua dự án Pháp lệnh ngay tại phiên họp này.
UBTVQH xem xét 03 dự thảo nghị quyết của UBTVQH để quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật, bao gồm: Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội; Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký; Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.
Để bảo đảm hiệu lực thi hành của các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, thời gian qua, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát nội dung giao UBTVQH ban hành văn bản quy định chi tiết trong các luật, nghị quyết để tổ chức soạn thảo, bảo đảm hiệu lực thi hành cùng với luật . Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan đã rất chủ động, tích cực chuẩn bị hồ sơ, tài liệu 03 dự thảo nghị quyết quy định chi tiết nội dung được giao trong Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy Kỳ họp Quốc hội và Luật Thi đua, khen thưởng.
Đây là những vấn đề rất cụ thể, “sát sườn” mà các cơ quan của Quốc hội sẽ trực tiếp triển khai thực hiện. Đề nghị các đồng chí vừa phát huy kinh nghiệm đã có, vừa phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, cho ý kiến kỹ lưỡng về nội dung của các dự thảo nghị quyết, bảo đảm tính khoa học, hợp lý, khả thi, phù hợp với quy định của Hiến pháp, các luật có liên quan và tình hình thực tiễn, đồng thời, cũng có tính dự báo để xử lý được linh hoạt, kịp thời những vấn đề mới có thể phát sinh trong hoạt động của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp, hiện đại trong công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội; khắc phục khoảng trống về pháp lý do thiếu các quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương và cán bộ thuộc quyền quản lý của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tiếp đến là UBTVQH xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Xem xét, quyết định việc thành lập một một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh: An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Đáng chú ý, phiên họp này, UBTVQH tiến hành tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 2 và kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV. Việc đánh giá kết quả tổ chức 02 kỳ họp bất thường vừa qua sẽ bổ sung thêm các kinh nghiệm thực tiễn quý để tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với vấn đề này, đặc biệt là các quy định trong dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội cũng được xem xét, thông qua tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Để bảo đảm phiên họp được tiến hành hiệu quả, các nội dung được xem xét, cho ý kiến, quyết định tại phiên họp bảo đảm chất lượng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đồng chí thành viên UBTVQH phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, bố trí thời gian tham gia phiên họp đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng, có nhiều ý kiến sâu sắc, toàn diện về các nội dung của phiên họp.
Theo chương trình, Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 3 ngày để xem xét, cho ý kiến về 13 nội dung thuộc thẩm quyền của UBTVQH.
Sau phần khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung "Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước".
Tham dự phiên họp có Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn; Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài; đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ.