Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
Chính trị - Ngày đăng : 12:04, 05/02/2023
Để triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW nhằm tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức và cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Nhằm sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức Hội nghị công bố chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị
Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là Chiến lược Phát triển bền vững về kinh tế biển.
Cùng với đó, việc Hội nghị Xúc tiến đầu tư được tổ chức song song có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất - kinh doanh của toàn Vùng. Đây chính là những hành động cụ thể, điều kiện tiên quyết để các kế hoạch, mục tiêu chiến lược được đặt ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW được hiện thực hóa.
Để thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Chính phủ đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: (1) Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; (2) Hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; (3) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; (4) Phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; (5) Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; (6) Phát triển toàn diện văn hoá - xã hội vùng; (7) Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; (8) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng.
Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 34 nhiệm vụ cụ thể và 11 dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể. Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của Vùng nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể; gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù sẽ là cơ sở và cơ hội cho Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.
Thủ tướng tham quan khu trưng bày sản phẩm nông sản
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định cho biết, theo dự thảo Chương trình hành động, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì thực hiện nhiệm vụ đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc trục ngang kết nối cửa khẩu quốc tế với các cảng biển, dự kiến thời gian thực hiện trước năm 2030. Tuy nhiên để sớm tăng cường khả năng kết nối các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ với các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, đề nghị Trung ương sớm triển khai đầu tư đường cao tốc trục ngang kết nối cửa khẩu quốc tế với các cảng biển (trong đó có tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku) trước năm 2025.
Ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định phát biểu tại Hội nghị
Để tạo điều kiện thu hút khách du lịch trong nước và Quốc tế đến với Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần quảng bá du lịch tỉnh Bình Định, đề nghị Trung ương cho chủ trương thực hiện Nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát vào Chương trình hành động (bao gồm đường cất, hạ cánh thứ 2 và mở rộng nhà ga, sân đỗ) và bổ sung quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế. Trong đó, cho phép tỉnh Bình Định sử dụng nguồn vượt thu hàng năm để đầu tư đường cất hạ cánh thứ 2 và lập đề án xã hội hoá đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà ga, sân đỗ của sân bay trước năm 2025.
Ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ngoài ra, để bảo tồn và tiếp tục phát huy bền vững giá trị các di sản văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh Bình Định và để thành phố Quy Nhơn trở thành Trung tâm văn hóa phía Nam của Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ như Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, đề nghị Trung ương bên cạnh việc hỗ trợ tỉnh Bình Định xây dựng Đề án phát triển thành phố Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng, quan tâm hỗ trợ kinh phí để đầu tư tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa lịch sử, nhất là hệ thống các tháp Chăm trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, quan tâm chỉ đạo hỗ trợ sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Võ cổ truyền Bình Định vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể thế giới.