Cố Tổng Bí thư Trần Phú – Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất
Chính trị - Ngày đăng : 07:25, 03/02/2023
Chân dung cố Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh tư liệu
Người thanh niên yêu nước với lý tưởng sống sáng ngời mọi thế hệ
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; Nguyên quán tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh – vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Đồng chí Trần Phú là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em; bố là nhà nho Trần Văn Phổ, mẹ tên là Hoàng Thị Cát.
Năm 1922, sau thi đỗ đầu kỳ thi Thành Chung do Trường Quốc học Huế tổ chức, đồng chí Trần Phú được bổ nhiệm dạy học tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, Thành phố Vinh. Trong quá trình dạy học, đồng chí có dịp gần gũi với công nhân và nông dân, nhiệt tình truyền đạt kiến thức văn hóa, giác ngộ tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng cho những người lao động. Một thời gian sau đó, đồng chí Trần Phú thôi nghề dạy học, tập trung cho hoạt động cách mạng.
Năm 1925, đồng chí cùng một số người Việt Nam yêu nước sáng lập Hội Phục Việt, sau đổi là Hội Hưng Nam rồi lại đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng. Sau khi hợp nhất Tân Việt cách mạng Đảng vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, từ một thanh niên trí thức yêu nước, đồng chí Trần Phú trở thành một chiến sỹ cộng sản chân chính.
Tháng 10/1930, đồng chí chủ trì Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc) và đề ra Luận cương chính trị của Đảng.
Quần thể Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ được chia làm 2 phần: khu mộ và khu lưu niệm
Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930 thông qua, là văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trình bày trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng.
Bản luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo là một văn kiện quan trọng của Đảng Cộng sản Đông Dương nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, là cơ sở để Đảng ta đề ra sách lược, chiến lược của Đảng trong suốt quá trình đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng.
Với công lao và đóng góp to lớn đó, đồng chí Trần Phú đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930 bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, lúc này đồng chí Trần Phú vừa 26 tuổi.
Ngày 19/4/1931, đồng chí Trần Phú bị thực dân Pháp bắt. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn dã man nhưng không thể làm lung lay chí khí người chiến sỹ cộng sản. Trong ngục tù, người chiến sỹ ấy tiếp tục tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, nêu cao tấm gương sáng trong đấu tranh; luôn căn dặn đồng chí, đồng đội giữ vững tinh thần chiến đấu, đặt niềm tin sắt son vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú hy sinh khi vừa tròn 27 tuổi với câu nói bất hủ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Câu nói đó đã trở thành lời hiệu triệu bất hủ cho muôn đời sau.
Hài cốt của cố Tổng Bí thư Trần Phú được tìm thấy tại Công viên Lê Thị Riêng (Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh). Sáng 12/1/1999, Đảng và Nhà nước đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí từ Thành phố Hồ Chí Minh về an táng tại quê hương Tùng Ảnh.
Mặc dù quãng đời hoạt động không dài nhưng đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng trong thời kỳ sôi động, quyết liệt nhất của những năm 1930-1931, là tấm gương sáng về “đạo đức cách mạng, chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập” như Bác Hồ kính yêu đã từng nói.
Bia mộ của Tổng Bí thư Trần Phú
Đó là tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp với ý chí, niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cộng sản, vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Đó là chí khí, cốt cách, kiên trung của người cộng sản và là tấm gương vượt qua muôn vàn khó khăn của hoạt động bí mật và hoàn cảnh tù đày.
Quê hương tiếp bước niềm tự hào
Tự hào là quê hương của Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ) không ngừng đoàn kết, nỗ lực vươn lên, viết tiếp những trang sử hào hùng.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước, Tùng Ảnh có hơn 4.000 người lên đường nhập ngũ, trong đó có 293 người con đã nằm lại tại các chiến trường; có 426 thương binh, bệnh binh, 19 Mẹ Việt Nam anh hùng. Xã có 6 vị lão thành cách mạng, 18 cán bộ tiền khởi nghĩa. Tùng Ảnh cũng là quê hương của lãnh tụ phong trào yêu nước Phan Đình Phùng, học giả Bùi Dương Lịch, Lê Bôi.
Ở bất cứ thời kỳ nào, Tùng Ảnh cũng đều có người đỗ đạt cao, cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Tính từ thời Cần Vương (cuối thế kỷ XIX) đến nay, toàn xã Tùng Ảnh đã cống hiến cho đất nước trên 1.000 giáo sư, tiến sỹ.
“Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” - Câu nói đã trở thành lời hiệu triệu bất hủ cho muôn đời sau
Bởi vậy, từ một xã thuần nông, Tùng Ảnh đã có những bước tiến mạnh mẽ trong thực hiện mục tiêu phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với dịch vụ. Đến cuối năm 2022, tỷ trọng nông nghiệp của xã chỉ còn dưới 10%; thu hút nhiều doanh nghiệp lớn vào địa bàn, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài xã; thu nhập bình quân đầu người tăng cao; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn rất thấp và đặc biệt Tùng Ảnh trở thành 1 trong 2 xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào tháng 1/2021.
Chia sẻ với PV, ông Phan Tiến Dũng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh cho biết, “Truyền thống khoa bảng, cách mạng đã hun đúc cho các thế hệ người dân Tùng Ảnh phẩm chất hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên cường, anh dũng trong chiến đấu và quyết tâm, đoàn kết, đồng thuận trong xây dựng cuộc sống mới. Tự hào với thành quả đạt được, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tùng Ảnh tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, tiếp tục đưa NTM lên một tầm cao mới. Trong đó, quan tâm phát huy đoàn kết, dân chủ, thống nhất trong Đảng; khôi phục và phát huy giá trị truyền thống gắn với xây dựng khu dân cư NTM bền vững; tạo nếp sống văn minh, văn hóa trong Nhân dân… Đó cũng là cách mà chúng tôi “giữ vững chí khí chiến đấu” như lời căn dặn của cố Tổng Bí thư cách đây hơn 90 năm”.
Tiếp bước tự hào, xã Tùng Ảnh ngày càng đổi mới, khang trang (Ảnh xã Tùng Ảnh cung cấp)
Tại xã Tùng Ảnh, Quần thể Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú được chia làm 2 phần gồm: khu mộ và khu lưu niệm. Khu mộ đồng chí Trần Phú đặt trên núi Quần Hội nhìn ra phía trước là bến Tam Soa - nơi hợp lưu của hai con sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố tạo thành dòng sông La xuôi về biển lớn, được khởi công xây dựng vào tháng 1/2000 và hoàn thành vào cuối tháng 4/2004 trong dịp lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng bí thư đầu tiên của Đảng. Khu mộ có diện tích khoảng 5 héc-ta, trong đó 3 héc-ta là phần đồi và gần 2 héc-ta là khu vực hồ với ngôi nhà nổi làm điểm dừng chân, nghỉ ngơi cho du khách vãn cảnh.
Nằm chếch phía trước bên trái khu mộ là nhà bia tiểu sử ghi lại quá trình hoạt động cách mạng của cố Tổng Bí thư, được xây sau năm 2004. Ở bên phải, phía sau khu mộ là phần mộ các cụ thân sinh của đồng chí Trần Phú (ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát). Nằm ở phía trái, sau khu lăng mộ là phần mộ người em trai út Trần Ngọc Danh.
Xã Tùng Ảnh trở thành 1 trong 2 xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào tháng 1/2021
Cách khu lăng mộ gần 1km là khu nhà thờ họ và nhà trưng bày lưu niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú với tổng diện tích trên 4.600m2. Khu nhà thờ họ do cụ Trần Viết Tân - cố nội Tổng Bí thư xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 15 (Nhâm Tuất 1862). Từ đó đến nay, nhà thờ họ đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, luôn được các thế hệ con cháu chăm sóc; sau này được bàn giao cho Ban quản lý Khu di tích.
Mỗi năm có hàng chục nghìn lượt du khách đến viếng thăm Quần thể Khu di tích cố Tổng bí thư Trần Phú để bày tỏ lòng thành kính cũng như lòng ngưỡng mộ về cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp và sự hy sinh anh dũng của cố Tổng Bí thư Trần Phú.