Hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia xây dựng Quy hoạch tổng thể

Chính trị - Ngày đăng : 15:43, 07/01/2023

Cuối buổi thảo luận sáng nay 7/1 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình thêm một số nội dung liên quan.

Hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia xây dựng Quy hoạch tổng thể

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Đây là quy hoạch được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, cụ thể hóa và bám sát các Nghị quyết của Đảng, Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội.

Các đại biểu đã phát biểu gợi mở nhiều vấn đề về nội dung mà cơ quan này sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện quy hoạch này.

Theo Bộ trưởng, những nội dung đã tiếp thi hoàn thiện, vừa qua Chính phủ cũng đã có báo cáo trình Quốc hội, các cơ quan soạn thảo đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để tiếp thu tối đa các ý kiến chỉ đạo của BCH Trung ương, Quốc hội. Nhiều nội dung mà đại biểu phát biểu tại tổ và tại hội trường hôm nay, cơ bản một số đã tiếp thu và thể hiện trong báo cáo quy hoạch.

Đây là công trình nghiên cứu hết sức đồ sộ và công phu, nghiêm túc, khoa học với 41 hợp phần, gần 7.000 trang tài liệu, với gần 30 cơ sở, Viện, trường nghiên cứu tham gia với khoảng hơn 100 nhà  khoa học, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về quy hoạch tham gia vào công trình này và đã được triển khai trong suốt hai năm qua với hàng trăm hội thảo, hội nghị dã diễn ra; Với sự tiếp cận hết sức mới, hiện đại đảm bảo các thông lệ tốt của quốc tế phù hợp với xu thế vận động và các xu hướng mới hiện nay; phù hợp với Nghị quyết của Trung ương về các địa phương, các vùng đã ban hành trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã giao Chính phủ chỉ đạo, rà soát chỉnh lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ,… trong hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia.

Về sự cần thiết và tính cấp bách của việc xây dựng quy hoạch, Bộ trưởng cho biết: Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để triển khai các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và quy hoạch khác, để thu hút đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, đây là vấn đề mới, lần đầu tiên chúng ta làm, rất khó nhưng quan trọng và cấp thiết nhưng cũng là vấn đề các Bộ ngành và địa phương trong nước đang rất mong đợi, do vậy Chính phủ đề nghị sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Về một số thuận lợi và khó khăn, Bộ trưởng cho biết, thuận lợi là được sự quan tâm của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội,… đã huy động được đông lực lượng chuyên gia tham gia tư vấn và nghiên cứu. Việc triển khai này trong giai đoạn mà Bộ Chính trị, BCH Trung ương ban hành rất nhiều nghị quyết mới, là cơ sở để chúng ta dựa vào, bám sát để thực hiện quy hoạch này.

Còn khó khăn, vướng  mắc, do đây là nhiệm vụ mới và  khó, lần đầu tiên chúng ta làm nên chưa có kinh nghiệm; kinh nghiệm quốc tế cũng không nhiều, mặc dù đã đi tham khảo, học tập các nước, nhưng mỗi nước họ có một cách quy hoạch khác nhau.

Thể chế chính trị và điều kiện mỗi nước khác nhau, nên chúng ta cũng không thể áp mô hình nước này vào nước kia được. Điều kiện cụ thể của nước ta làm sao để bắt kịp xu thế của thế giới, phải theo phương châm làm sao chúng ta phải bắt kịp, tiến cùng và vượt lên…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng báo cáo làm rõ thêm một số nội dung chi tiết của Quy hoạch. Theo đó, việc phân chia tiểu vùng trong các vùng, liên kết nội vùng, định hướng phát triển cụ thể của từng ngành, từng tỉnh sẽ được quy hoạch cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp thấp hơn để tránh sự trùng lắp và chồng chéo về nội dung của các quy hoạch.

Hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia xây dựng Quy hoạch tổng thể

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình thêm một số nội dung về Quy hoạch.

Về sự về các quan điểm phát triển và những trọng tâm, trọng điểm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan điểm mới và quan trọng của quy hoạch lần này là phải hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra được động lực phát triển mới, đồng thời phải đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội và môi trường.

Theo đó, phân chia ra 2 giai đoạn. Giai đoạn trước 2030 phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo quan tâm các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường, các đối tượng chính sách, những người nghèo, dân tộc thiểu số miền núi nhất là về y tế, giáo dục và văn hóa. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ hướng đến phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững giữa các vùng miền và địa phương.

Về vấn đề chi tiết, Chính phủ đã đảm bảo tuân thủ, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII cũng như chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, trong quá trình phát triển, nếu thấy đủ điều kiện sẽ điều chỉnh và bổ sung các vùng động lực mới để phát huy được tối đa tất cả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các địa phương chứ bó hẹp.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên thảo luận có 26 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian; đề nghị đại biểu gửi văn bản qua Ban Thư ký để tổng hợp. Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ý kiến của các ĐBQH đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, hoàn chỉnh Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.

Mai Thoa