Khai mạc Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương
Chính trị - Ngày đăng : 09:44, 03/01/2023
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự Hội nghị
Hôm nay (3/1), Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ.
Dự Hội nghị tại điểm cầu địa phương có Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND các tỉnh, thành phố.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ năm 2022, tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo. Có thể nói, năm 2022 nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong đến cùng một thời điểm.
Trong bối cảnh đó, chúng ta đã đoàn kết, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng phục hồi nhanh, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,15%. GDP tăng 8,02%, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 4.110 USD. Thu NSNN vượt 27,8% dự toán (tăng 392 nghìn tỷ đồng). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD; xuất siêu 11,2 tỷ USD. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,2%; vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%. Trên 208 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 30,3% và gấp 1,45 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín duy trì, nâng bậc xếp hạng tín nhiệm, đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.
Công tác xây dựng pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm. Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, thông qua 39 đề nghị xây dựng luật, dự án luật và 125 nghị định; tích cực, chủ động xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn và kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Đã cắt giảm, đơn giản hoá 1.041 quy định kinh doanh; chỉ số hài lòng của người dân đạt 87,5%; tập trung hoàn thiện và từng bước phát huy hiệu quả hệ thống dữ liệu dân cư (Đề án 06). Tinh giản bộ máy bên trong, cắt giảm khâu trung gian; trong đó giảm 17 tổng cục, 8 cục, 145 vụ, 22 đơn vị sự nghiệp thuộc bộ, tổng cục, hàng nghìn phòng thuộc bộ, cơ quan, địa phương và tinh giản biên chế đạt mục tiêu đề ra. Chủ trì và phối hợp tham mưu cho Bộ Chính trị xây dựng, ban hành các nghị quyết và triển khai các Chương trình hành động về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng trên cả nước. Đào tạo nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được quan tâm thúc đẩy. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam xếp hạng 48/132 quốc gia và đứng thứ 2/36 nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chú trọng hơn. Các cơ quan trung ương và 63/63 địa phương đã có chương trình hành động, kế hoạch, giải pháp cụ thể triển khai thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"; tổ chức thành công SEAGAMES 31, Đại hội thể dục thể thao toàn quốc. Công tác an sinh xã hội triển khai kịp thời, hiệu quả. Xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh; trên 73% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Giảm nghèo bền vững được chú trọng; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm khoảng 1%. Chủ động các biện pháp ứng phó, kịp thời khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, bão lũ.
Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường. Độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; các hoạt động đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh; góp phần nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử được chú trọng và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Từ những số liệu nêu trên, có thể nói những kết quả đạt được của năm 2022 cao hơn năm 2021 là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự chung sức, đồng lòng, ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng: Hội nghị hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng nêu rõ, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Những hạn chế, bất cập nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trong khó khăn, thách thức vừa qua, chúng ta được trải nghiệm nhiều hơn, đã từng bước trưởng thành, bản lĩnh hơn và có thêm những kinh nghiệm quý, bài học hay.
Theo Thủ tướng, năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Thực hiện Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 với phương châm: "Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả". Tinh thần đã nói là làm; đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hoá được cụ thể, rõ ràng, cân đong, đo, đếm được. Tranh thủ thời cơ, vận hội, "biến nguy thành cơ"; vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao; vừa giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập, tồn đọng kéo dài; vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh, đồng thời tạo nền tảng mang tính căn cơ, lâu dài cho phát triển bền vững.
Thủ tướng nêu rõ Hội nghị hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội. Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm cao, sâu sát thực tiễn, Thủ tướng đề nghị đề nghị quý vị đại biểu, lãnh đạo các địa phương, bộ ngành quan tâm dành thời gian nghiên cứu, phát biểu ngắn gọn, tập trung đóng góp vào các báo cáo và dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu, góp ý, chỉ đạo. Những ý kiến chỉ đạo, định hướng của đồng chí Tổng Bí thư và của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ là nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tạo thêm động lực và bổ sung, hoàn thiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện hiệu quả trong năm 2023 và những năm tới.
Báo Công lý sẽ tiếp tục cập nhật về Hội nghị.