Chủ tịch nước tiếp tục các hoạt động tại Hội nghị Cấp cao Á - Phi
Chính trị - Ngày đăng : 18:15, 23/04/2015
Tại cuộc hội kiến với Tổng thống Madagascar Hery Rajaonarimampianina, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng những thành tựu to lớn mà nhân dân Madagascar giành được trong công cuộc xây dựng đất nước, đánh giá cao quan hệ hữu nghị, truyền thống Việt Nam - Madagascar và mong muốn hai nước tiếp tục phát huy tình cảm hữu nghị tốt đẹp về chính trị trong hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp và viễn thông.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, bà Sushma Swaraj. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước đề nghị hai bên tiếp tục trao đổi, tiếp xúc cấp cao, ủng hộ lẫn nhau, phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế. Đánh giá quan hệ kinh tế có chuyển biến tích cực, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị cần nỗ lực hơn nữa để tương xứng với quan hệ chính trị rất tốt đẹp giữa hai nước, có thể xem xét thiết lập ủy ban liên chính phủ và rà soát, ký kết các văn kiện hợp tác làm nền tảng để thúc đẩy quan hệ nhiều mặt.
Tổng thống Hery Rajaonarimampianina khẳng định tình cảm sâu đậm mà nhân dân Madagascar dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam, bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh của đất nước Việt Nam, coi đó là hình mẫu phát triển của các nước châu Phi. Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm ăn tại Madagascar cũng góp phần tích cực vào việc phát triển đất nước Madagascar.
Tổng thống đề xuất một số hướng hợp tác rất triển vọng giữa hai nước như về nông nghiệp (lúa gạo và thủy hải sản), khai thác mỏ, viễn thông; cho biết sẽ cử đoàn sớm sang Việt Nam để bàn về hợp tác nông nghiệp. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh và đánh giá cao các đề xuất của ngài Tổng thống, cho biết sẽ chỉ đạo để các bộ, ngành Việt Nam chuẩn bị để hợp tác đạt hiệu quả cao nhất. Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cũng sẽ sớm cử đoàn sang Madagascar.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời Tổng thống Hery Rajaonarimampianina sớm thăm Việt Nam. Tổng thống cảm ơn lời mời và cho biết rất mong muốn thăm Việt Nam và sẽ thu xếp vào thời điểm thuận tiện.
Tiếp Phó Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Nam Phi, Nam Phi là đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu Phi, đánh giá cao vị thế đầu tàu kinh tế -chính trị của Nam Phi tại châu lục này.
Phó Tổng thống Cyril Ramaphosa chuyển lời thăm hỏi của Tổng thống Jacob Zuma đến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cho biết Tổng thống rất mong muốn thăm Việt Nam trong năm nay hoặc đầu năm tới. Ngài Cyril Ramaphosa nhấn mạnh Nam Phi rất coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam, nhân dân Nam Phi học hỏi rất nhiều từ công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam, luôn mong muốn tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa hai đất nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị hai bên chuẩn bị tốt cho chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Zuma, tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Về kinh tế, hai bên cần phấn đấu sớm đạt mục tiêu kim ngạch song phương 1 tỷ USD.
Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò của Nam Phi trong hợp tác 3 bên về nông nghiệp, hỗ trợ các nước châu Phi khắc phục tình trạng thiếu lương thực. Hai bên nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ để tổ chức có hiệu quả kỳ họp lần 3 diễn đàn đối tác liên chính phủ tại Hà Nội vào tháng 6 tới, đồng thời đề cập một số biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ trên các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, nông nghiệp, đóng tàu…
Tiếp Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn sự giúp đỡ quý báu mà Thụy Điển đã dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế hiện nay.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sắp được ký kết.
Ngoại trưởng Margot Wallstrom khẳng định Thụy Điển coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam, đánh giá cao vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Bà Margot Wallstrom cho rằng, trên cơ sở tình cảm hữu nghị truyền thống, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Thụy Điển có nhiều triển vọng phát triển tốt đẹp, nhất là trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng, xử lý thách thức biến đổi khí hậu, du lịch... Hai nước cũng cần tăng cường ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Tại các cuộc tiếp xúc, trên cơ sở quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) giai đoạn 2015-2019, Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (2016-2018) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021).
Cũng trong ngày 22/4, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung đã tiếp Bộ trưởng Môi trường, nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên Kenya Judi Wakhungu. Hai bên đã trao đổi các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam và Kenya, phát huy hiệu quả của việc mở đường bay thẳng Nairobi - Hà Nội hồi cuối tháng 3 vừa qua. Đây là đường bay thẳng đầu tiên kết nối giữa Việt Nam và châu Phi. Bộ trưởng Judi Wakhungu cho rằng, với vị trí là cửa ngõ vào Đông và Trung Phi, Kenya có thể cùng với Việt Nam phát huy vai trò cầu nối giữa Đông Nam Á và khu vực Đông - Trung Phi, khai thác tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai khu vực này.
Tiếp Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam coi trọng việc gìn giữ và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác đối tác chiến lược giữa hai nước. Trên nền tảng tin cậy sâu sắc, hai nước cần nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, trong đó có việc thúc đẩy các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, trước mắt là chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban Liên chính phủ, Đối thoại chiến lược, Tham khảo chính trị, Đối thoại quốc phòng…
Về kinh tế, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh cần phấn đấu đạt và vượt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 15 tỷ USD vào năm 2020, tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trên những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như dầu khí, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, chế biến nông sản, nguyên liệu dệt may. Hai bên cần phát huy hiệu quả của đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Bà Sushma Swaraj bày tỏ vui mừng nhận thấy, sau khi chính phủ mới của Ấn Độ thành lập, quan hệ hai nước phát triển rất tốt đẹp, hai bên trao đổi nhiều đoàn cấp cao, hợp tác trên nhiều lĩnh vực có những bước tiến mới, nhất là về nông nghiệp, dệt may, dầu khí, hóa dầu và quốc phòng - an ninh.
Ấn Độ đề xuất thúc đẩy giao lưu nhân dân, thiết lập 2 trung tâm văn hóa tại thủ đô hai nước. Bà Sushma Swaraj mời đoàn doanh nghiệp Việt Nam thăm Ấn Độ tìm kiếm cơ hội kinh doanh và cho biết Chương trình "Make in India" của Thủ tướng Modi đang tạo cơ hội lớn để hai nước tăng cường hợp tác vì lợi ích của cả hai bên.
Trên bình diện đa phương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị hai nước tiếp tục phối hợp hiệu quả và chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như hợp tác Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Ấn Độ, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Phong trào Không liên kết và Liên hợp quốc.
Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).