Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động
Chính trị - Ngày đăng : 23:02, 21/04/2015
Kết quả đạt được là rõ ràng và đáng khích lệ
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động”, đây là diễn đàn lần thứ 7 được tổ chức. Mỗi lần tổ chức đều có một mục tiêu nhất định để hỗ trợ báo cáo giám sát, thẩm tra kinh tế - xã hội của quốc gia.
Để Diễn đàn đạt kết quả thiết thực, ông Nguyễn Văn Giàu gợi ý một số nội dung để diễn đàn bàn thảo: Về kinh tế - xã hội, cần đánh giá lại, bổ sung kết quả 2014 trên cơ sở báo cáo của Chính phủ đã báo cáo trước kỳ họp thứ VIII của Quốc hội và cập nhật các báo cáo kinh tế - xã hội gần đây nhất; đánh giá thực trạng và có giải pháp cụ thể cho các vấn đề về nợ công, huy động vốn ODA, nợ xấu, xuất nhập khẩu, lao động việc làm, an sinh, chính sách người có công, bảo hiểm, y tế, giáo dục… Một vấn đề quan trọng khác cần được thảo luận là hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó là những tác động của các hiệp định thương mại, quá trình toàn cầu hóa đối với nền kinh tế Việt Nam…
Báo cáo đề dẫn tổng quan tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 2014, PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam đã nhận định trong năm 2014, nền kinh tế có những dấu hiệu tích cực hơn so với năm 2012 và 2013 nên đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, tăng 3,6% so với thực hiện năm 2013.
Diễn đàn có nhiều tham luận rất thẳng thắn của người tham gia
“Có nhiều yếu tố tạo nên thành công của kinh tế Việt Nam trong năm 2014, trong đó, yếu tố đầu tiên phải kể đến là việc Chính phủ đã chủ động thực thi nhiều chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế, tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Kết quả đạt được là rõ ràng và đáng khích lệ”, TS Trần Đình Thiên nhận định.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết hàng loạt hiệp định hội nhập ở đẳng cấp rất cao, trong khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa rất yếu, trình độ quản trị quốc gia không cao, năng suất lao động thấp, trình độ lao động thua kém nhiều nước trong khu vực và thế giới. Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa bền vững và có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng thấp…
Chủ thể phục hồi kinh tế
Ông Trần Đình Thiên cũng đặt thêm lên bàn hội nghị quá nhiều câu hỏi khó. Đó là ai là chủ thể của phục hồi kinh tế Việt Nam, khu vực nội địa hay khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tại sao doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam không hội nhập quốc tế ngay được ở đất nước mình, không thể mượn sức để lớn lên. Điều gì sẽ xảy ra nếu chu kỳ tận dụng lợi thế Việt Nam của các doanh nghiệp FDI, mà ông Thiên gọi tên là chu kỳ Samsung, chấm dứt.
Trong nội dung các câu hỏi, có thể thấy ẩn chứa khá nhiều câu trả lời khi ông đặt thêm câu hỏi, vì sao lại có tình trạng trên và lỗi có phải tại ta? Hệ lụy sẽ là gì trong cả hai xu hướng: FDI lấn át và FDI rời bỏ Việt Nam khi tận dụng hết các cơ hội từ lợi thế hiện hữu.
Ông Trương Đình Tuyển, Cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng: “Điều cần thay đổi là phải lấy kinh tế tư nhân làm động lực chủ yếu, phải có chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân”.
Ông Tuyển cho rằng, chủ trương “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng” mà Việt Nam đưa ra đã không được thể hiện trong phát triển kinh tế.
Ông phân tích, tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực FDI tăng liên tục từ 15,6% năm 2005 lên gần 20% năm 2013. Giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực này cũng tăng liên tục từ năm 2005, và đạt tới 50% năm 2013. Khu vực FDI cũng chiếm tới 68% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014.
Từ đó, ông Tuyển đưa ra quan điểm: “Với xu thế này, quan điểm Nhà nước giữ vai trò chủ đạo mà không ít người không đồng tình, đã không phải vậy trên thực tế”.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đề nghị đổi mới nhận thức về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam theo đuổi.
Ông Cung cho rằng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường “đầy đủ, hiện đại”, trong đó Nhà nước và thị trường là hai yếu tố không thể thiếu, bổ sung cho nhau để làm thị trường hoàn hảo. Trên cơ sở có thị trường đầy đủ, hiện đại, định hướng xã hội chủ nghĩa được đảm bảo bằng điều tiết của Nhà nước theo hướng tăng trưởng bao dung, công bằng.
Ông Cung nhận xét, so với các nền kinh tế thị trường hiện đại, thì khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Việt Nam còn rất lớn. Số DNNN, bao gồm cả doanh nghiệp có sở hữu nhà nước chi phối, vẫn còn nhiều gần 4.000 đơn vị; DNNN chiếm gần 30% GDP; sử dụng hơn 60% tổng tín dụng của nền kinh tế; tài sản DNNN chiếm gần 45% tổng tài sản của tất cả các doanh nghiệp v.v...
“Như vậy, khác với Nhà nước ở các nền kinh tế thị trường hiện đại, xét về bản chất, Nhà nước ở Việt Nam vẫn tổ chức kinh doanh, cạnh tranh với khu vực tư nhân để tìm kiếm lợi nhuận”, ông Cung nhận xét.
Tham nhũng và môi trường kinh doanh
Khá nhiều danh tính của các vị chuyên gia, đại biểu Quốc hội quen thuộc cũng lần lượt xuất hiện trong kịch bản của diễn đàn: TS. Trần Du Lịch, TS. Bùi Trinh, TS. Võ Trí Thành, TS. Bùi Tất Thắng, TS. Đặng Kim Sơn…
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đưa một tham luận khá gai góc là vấn đề tham nhũng, phân tích những tác động từ tham nhũng và việc phải chi trả các chi phí phi chính thức đối với môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam thông qua các chỉ số liên quan.
Dẫn số liệu, báo cáo đã được đưa ra trước đó từ Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Tổ chức Minh bạch Quốc tế... TS. Lê Đăng Doanh cho biết, những yếu kém về quản lý và tham nhũng đã làm môi trường kinh doanh của Việt Nam xấu đi. Trong đó, đáng chú ý là xếp hạng về đút lót trong xuất - nhập khẩu xếp thứ 121/144, thấp hơn nhiều so với xếp hạng thể chế chung. Xếp hạng về sự công khai trong xây dựng chính sách của Chính phủ chỉ xếp thứ 116.
Sau khi phân tích tác hại của tham nhũng đối với kinh tế - xã hội TS. Lê Đăng Doanh nhận xét: Nếu không hạn chế và kiểm soát được tham nhũng ở mức độ nhất định, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ khó có thể được cải thiện một cách cơ bản. Song, để làm được việc này đòi hỏi phải có sự chung sức từ cả phía doanh nghiệp và chính quyền để có thể tạo ra được những khích lệ và hình phạt đúng đắn nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh.