Có nên quy định việc chuyển giới trong Bộ luật Dân sự sửa đổi?

Chính trị - Ngày đăng : 17:05, 14/04/2015

Đây là băn khoăn của nhiều đại biểu khi tham dự Hội thảo góp ý các nội dung liên quan đến y tế trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng nay 14/4.

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) hiện đưa ra 2 phương án: Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới; và trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

Các chuyên gia y tế cho rằng, chuyển giới hiện nay đang là vấn đề phức tạp vì việc đổi giới tính không chỉ làm thay đổi bề ngoài sinh học mà còn có những thay đổi về mặt tâm lý, xã hội đối với cơ thể và giới tính mới.

Việc chuyển giới cần có quá trình kiểm tra tâm lý lâu dài và điều trị hoóc môn nội tiết trước và sau khi phẫu thuật. Có nhiều trường hợp sau khi chuyển đổi giới tính xong, người đó lại muốn quay về giới tính ban đầu vì không thể thích nghi được trong cơ thể mới và những trở ngại trong chuyện hòa nhập xã hội. Mặt khác, nếu ghi nhận quyền được “chuyển giới” sẽ kéo theo các phức tạp về mặt pháp lý đặc biệt trong quan hệ hôn nhân gia đình. Do vậy quy định như phương án 1 là hợp lý.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, quy định tại phương án 2 cũng chưa thực sự bảo đảm tính minh bạch của quy phạm do không quy định “trong trường hợp luật quy định” là những trường hợp nào và “theo quy định của pháp luật” là quy định nào?

Có nên quy định việc chuyển giới trong Bộ luật Dân sự sửa đổi?

Phạm Văn Hiệp là người chuyển giới đầu tiên ở Việt Nam.

PGS.TS.Trần Ngọc Bích (Bệnh viện Việt - Đức) lại  đồng tình và cho rằng nên cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam được thực hiện các kỹ thuật để can thiệp chuyển đổi giới tính cho những người không bị khuyết tật giới tính; những ai được thực hiện, thực hiện như thế nào và giải quyết trường hợp những người đã đi nước ngoài để chuyển giới thì cần phải có Nghị định riêng hướng dẫn về nội dung này.

Theo đánh giá của đại diện Trung tâm ICS (Tổ chức Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam), Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đã có sự thay đổi rất tích cực trong việc nhìn nhận quyền của người chuyển giới tại Việt Nam. Đồng thời khuyến nghị sửa đổi Bộ luật Dân sự nên theo phương án 2, đồng thời bổ sung "Việc chuyển giới được thực hiện theo quy định pháp luật”.

M.Thoa