UBTVQH cho ý kiến lần đầu vào Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)
Chính trị - Ngày đăng : 21:36, 07/04/2015
Phiên họp có sự tham dự của Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh, cùng đại diện Ban chỉ đạo CCTPTW, Bộ Công an...
Đảm bảo sự độc lập của Thẩm phán
Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) chỉ còn giữ nguyên 27 điều, bãi bỏ 19 điều, bổ sung mới 166 điều và sửa đổi 290 điều. Dự thảo quy định theo hướng: Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội; các biện pháp chống bức cung, nhục hình.
Đồng thời, Dự thảo quy định cụ thể, minh bạch các trình tự, thủ tục trong từng giai đoạn tố tụng, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan tố tụng khẩn trương khám phá vụ án, đồng thời tạo điều kiện để những người tham gia tố tụng giám sát quá trình giải quyết vụ án. Quy định Tòa án sẽ không mở phiên tòa nếu có căn cứ xác định việc điều tra, truy tố vi phạm quyền bào chữa của người bị buộc tội hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Nếu đã mở phiên tòa thì HĐXX yêu cầu Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát điều tra bổ sung để khắc phục vi phạm hoặc tuyên bố tính vô hiệu của chứng cứ đó.
UBTP đề nghị không bổ sung quy định “Thẩm phán, Hội thẩm không bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại đối với quan điểm, quyết định được đưa ra khi thực hiện quyền hạn xét xử, trừ trường hợp cố ý”, vì nội dung này không thuộc phạm vi điều chỉnh của BLTTHS mà thuộc phạm vi điều chỉnh của BLHS, Luật Tổ chức TAND và quy chế nội bộ của hệ thống Tòa án. Bên cạnh đó, vẫn có ý kiến đề nghị để bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử, cần bổ sung nội dung nêu trên thành nguyên tắc của tố tụng hình sự.
Quy định về giới hạn xét xử cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu. Có ý kiến cho rằng, trường hợp “Tòa án thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh truy tố thì Tòa án có quyền tuyên bị cáo không phạm tội danh truy tố đó và khởi tố vụ án về tội danh nặng hơn và trả hồ sơ để VKS điều tra bổ sung, truy tố lại”. Theo phương án này thì phải kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu ý kiến (Ảnh: An Đăng – TTXVN)
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho rằng, để bảo đảm tính độc lập xét xử của Tòa án, việc phán quyết của Tòa án phải trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa; đồng thời không ảnh hưởng đến quyền bào chữa của bị cáo nên cần quy định về “Giới hạn xét xử” theo hướng: Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử, không phụ thuộc vào tội danh truy tố. Trong trường hợp thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo cho bị cáo biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó. UBTP cũng đồng tình với quan điểm này.
Cũng theo Phó Chánh án Nguyễn Sơn, Điều 12 của dự thảo Bộ luật gộp rất nhiều nguyên tắc cơ bản của Tòa án vào một điều như vậy là không hợp lý, nên đề nghị tách riêng như trước đây. Đặc biệt là nguyên tắc độc lập chỉ tuân theo pháp của Thẩm phán, quy định theo phương án 2: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Thẩm phán, Hội thẩm không bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại đối với quan điểm, quyết định được đưa ra khi thực hiện quyền hạn xét xử, trừ trường hợp cố ý" và "Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm. Cá nhân, cơ quan, tổ chức can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật".
Về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của HĐTPTANDTC
UBTP cho rằng, quy định hiện hành chưa có cơ chế giải quyết đối với trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có sai lầm nghiêm trọng. Hiến pháp mới đã trao cho Tòa án thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý thì khi có sai lầm, phải có cơ chế sửa sai để đạt được công lý đến cùng. Đề nghị cho phép HĐTP TANDTC xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của chính mình khi có căn cứ xác định quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm đó có sai lầm nghiêm trọng (tương tự như quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính hiện hành).
Phó Chánh án Nguyễn Sơn cũng cho rằng, quy định thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm như vậy là cần thiết. Vì bên cạnh những nội dung như UBTP đề cập, còn vấn đề nữa hết sức quan trọng đó là Tòa án có thẩm quyền ban hành án lệ, nên nếu HĐTP TANDTC không có quyền sửa quyết định giám đốc thẩm thì làm sao có thể lựa chọn những bản án mẫu mực để ban hành án lệ?
Liên quan đến quy định thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên, Phó Chánh án Nguyễn Sơn cho biết, đây là dự án Luật rất quan trọng, cụ thể hóa Hiến pháp, các Luật về tổ chức để đảm bảo cho các cơ quan tố tụng hoạt động có hiệu quả. Theo Nghị quyết 81 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án đã quy định thẩm quyền xét xử của Tòa gia đình và người chưa thành niên. Tuy nhiên, dự thảo BLTTHS không có quy định thẩm quyền xét xử của Tòa này. Vì vậy cần phải bổ sung cho phù hợp.
Ngoài ra, theo Phó Chánh án Nguyễn Sơn, việc bổ sung biện pháp điều tra đặc biệt cần thiết. Vì đây là vấn đề khi sơ kết Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị về công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với cán bộ, đảng viên cũng đã có đề xuất cho phép áp dụng một số nghiệp vụ đối với một số hành vi tham nhũng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện vì Bộ Chính trị chưa có kết luận. Đây là hành vi xâm phạm đến quyền của công dân như liên quan đến việc bóc thư từ, nghe lén điện thoại,... nên giao cho Tòa án thẩm quyền này là phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị bám tinh thần Hiến pháp, các luật về tổ chức để sửa đổi cho phù hợp. Đây là dự luật rất quan trọng, phải quy định chặt chẽ tránh lạm quyền, bức cung, nhục hình... chống oan sai trong tố tụng.