Nữ giáo sư giúp khoa học Việt Nam được vinh danh trên bản đồ thế giới

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 14:29, 01/01/2023

Giáo sư (GS) Nguyễn Thục Quyên khiến cộng đồng các nhà nghiên cứu Việt Nam không khỏi tự hào khi được vinh danh là một trong những nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Chính bà đã khiến các công trình khoa học không còn khô khan và to tát.

Vào năm 2015, Giáo sư (GS) Nguyễn Thục Quyên được vinh danh là một trong những nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Hồi hương sau hàng chục năm định cư ở nước ngoài, GS Thục Quyên trở về nước cùng niềm trăn trở làm sao để định vị khoa học Việt Nam trên bản đồ thế giới. 

Những năm vừa qua, bà đã phần nào thực hiện hoá trăn trở này bằng hành trình kết nối các nhà khoa học hàng đầu thế giới với nhà khoa học Việt Nam. Đặc biệt là qua những chia sẻ của GS Nguyễn Thục Quyên khoa học lại không hề "cao siêu" và khô khan như các công trình nghiên cứu của bà.

thuc.jpg
Nguyễn Thục Quyên khiến cộng đồng các nhà nghiên cứu Việt Nam không khỏi tự hào khi được vinh danh là một trong những nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới.

Với nhiều người, khoa học thực sự là lĩnh vực hết sức vĩ mô mà người thường khó lòng hiểu được. Thế nhưng theo GS Nguyễn Thục Quyên, khoa học thực chất cũng như cuộc sống. Cuộc sống cần gì thì làm khoa học cũng cần cái đó, đơn cử như việc xã giao và xây dựng các mối quan hệ.

Bản thân GS Quyên cũng từng ôm tự ti khi là phụ nữ làm khoa học, bà không dám lên tiếng, không dám phát ngôn. Nhưng theo thời gian, bà nhận ra nếu không dám bước bước chân đầu tiên thì chúng ta sẽ chẳng thể tiến xa được. Vậy là bà bắt đầu liên hệ, làm quen với các nhà khoa học khác. Ban đầu, bà thử liên hệ mọi người qua mail, sau đó là mạnh dạn tiếp cận thông qua các buổi họp mặt, gặp gỡ bà được mời đi.

Cứ thế, GS còn mở các buổi thuyết trình để nói về các công trình nghiên cứu của mình. Quy mô của những buổi thuyết trình, diễn thuyết này cũng tăng dần. Ban đầu bà chỉ dám đứng nói trước 3-5 người, dần dần con số lên đến 20-50 và giờ là hàng trăm, hàng nghìn người.

Bà cũng hài hước ví làm khoa học giống như chơi World Cup. Bà cho rằng trong bóng đá, để đạt ngôi vô địch World Cup, chúng ta cần sự phối ăn ý và khoa học của một tập thể, chứ không thể dựa vào tài năng của một cá nhân riêng biệt. Khoa học cũng như vậy. Nếu một người chỉ làm việc độc lập, kết quả cũng có thể có, song sẽ không thể bằng khi làm việc cùng một đội.

GS Quyên còn đưa ra lời khuyên về vấn đề phải làm sao để giữ chân nhân tài, để khuyến khích các nhà khoa học trẻ và tìm kiếm thêm những bạn trẻ có đam mê với nghiên cứu khoa học. Theo bà, điều quan trọng nhất là phải trả lương đủ sống cho các nhà khoa học.

Bà lý giải: "Bởi con người không chỉ cần sống cho bản thân mà còn phải lo cho gia đình. Nếu được trả lương tương xứng, họ mới có thể chú trọng làm việc và đầu tư nghiên cứu. Ở Mỹ và những nước châu Âu, điều quan trọng nhất là người lao động phải được trả lương đầy đủ.

Ở Việt Nam, tôi thấy rất ít nơi trả lương cho sinh viên học Tiến sĩ. Trong khi bên Mỹ, người học có thể được trả 32.000 USD - 34.000 USD/năm (khoảng 750 triệu đồng - 800 triệu đồng), có bảo hiểm sức khoẻ hoặc được trả tiền học vấn trong trường nữa... Với nhiều đãi ngộ đó, người ta có thể chú trọng đi nghiên cứu và học tập, chứ không phải lăn lộn trong nhiều ngành kiếm sống".

Minh Anh