Tăng cường ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường
Đời sống - Ngày đăng : 07:30, 30/12/2022
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra nhiều vụ học sinh, thanh, thiếu niên xô xát, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, khiến dư luận bức xúc.
Mới đây, vào khoảng 16h ngày 18/12/2022, tại thị trấn Phong Sơn (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa), do mâu thuẫn bộc phát trong quá trình đi chơi, Ngô Hải A. (SN 2007, ở tổ dân phố Nghĩa Dũng, thị trấn Phong Sơn) và Đỗ Hoàng H. (SN 2008, ở thôn Chiềng Đông, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy) đã dùng dao và ống điếu đánh vào người Đỗ Trung D. (SN 2007, ở thôn Lương Thành, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy). Hậu quả khiến D. bị thương phải đi điều trị tại bệnh viện.
Trước đó, một vụ bạo lực học đường khác xảy ra tại trường THCS Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc. Một nữ sinh lớp 9 bị bạn cùng trường cầm mũ bảo hiểm đập liên tiếp vào đầu, sau đó kéo xuống ruộng rồi nhấn xuống bùn, dùng chân đạp liên tiếp vào mặt trước sự thờ ơ của nhiều bạn cùng trang lứa.
Theo Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, các vụ cố ý gây thương tích mang tính bộc phát trong thời gian gần đây, đối tượng chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh gây ra. Nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn trong cuộc sống, học tập, sinh hoạt hàng ngày, nhiều thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên không kiềm chế được bản thân, coi trọng việc thắng thua, tổ chức đánh nhau, xúc phạm danh dự người khác, thậm chí dùng hung khí để trả thù, cố ý gây thương tích cho người khác, coi thường pháp luật.
Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường và học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hơp các cấp, các ngành, nhà trường trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, kịp thời hòa giải các mâu thuẫn.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn bạo lực trong giới trẻ cần sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi gia đình cần dành nhiều thời gian quan tâm tới đời sống tinh thần, phát hiện và uốn nắn kịp thời những hành vi sai trái của con em mình ngay từ khi còn nhỏ, đồng thời không nên để các em tiếp xúc với các trò chơi có tính xung đột, bạo lực. Nhà trường, thầy, cô giáo cần thường xuyên nắm bắt diễn biến tâm lý học sinh, kịp thời phát hiện những thay đổi tiêu cực, mâu thuẫn phát sinh để hoà giải, ngăn ngừa phát sinh các hành vi tiêu cực, bạo lực.