Tăng cường xây dựng thể chế, áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử
Tiêu điểm - Ngày đăng : 11:50, 29/12/2022
TANDTC vừa công bố Nghị quyết của Ban cán sự đảng TANDTC về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2023. Nghị quyết gồm 8 nhiệm vụ, giải pháp. Mục tiêu quan trọng của Nghị quyết là hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác mà các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đề ra, trọng tâm là nâng cao chất lượng, đảm bảo thời hạn giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Bên cạnh đó, tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách tư pháp tại Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII. Tập trung nghiên cứu, xây dựng các đề án liên quan đến đổi mới tổ chức, hoạt động của Tòa án đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức là các chức danh tư pháp liêm chính, chuyên nghiệp, xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân.
8 nhiệm vụ, giải pháp đáng chú ý của Nghị quyết Ban cán sự đảng TANDTC đặt ra là:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp và những văn bản chỉ đạo của Trung ương về cải cách tư pháp.
Nghiêm túc, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các Đề án đã được Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII giao, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thứ hai, nâng cao chất lượng xét xử, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác. Tiếp tục triển khai có hiệu quả 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, gia đình và người chưa thành niên; hoàn thành và vượt chỉ tiêu của Quốc hội, của TANDTC về công tác giải quyết, xét xử các loại vụ, việc. Bảo đảm và nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Khắc phục, rút kinh nghiệm về những sai sót, chuyên môn và đẩy nhanh tiến độ giải quyết, nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hành chính, bảo đảm chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội; chú trọng công tác đối thoại, tăng cường xét xử trực tuyến.
Chủ động, tích cực thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án tham nhũng, kinh tế chức vụ nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án dư luận xã hội quan tâm; bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu thu hồi tài sản tham nhũng đối với những vụ, việc do Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo…
Đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Nâng cao chất lượng quyết định kháng nghị, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, bảo đảm việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải có căn cứ, đúng pháp luật.
Tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử để kịp thời phát hiện, khắc phụ, rút kinh nghiệm về những sai sót chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ, việc.
Thứ ba, tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử.
Tăng cường xây dựng thể chế, hoàn thiện dự thảo các văn bản pháp luật được giao chủ trì soạn thảo hoặc tham gia xây dựng bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Trình Quốc hội thông qua Luật hội thẩm nhân dân, Luật tư pháp người chưa thành niên; hoàn thiện thông tư hướng dẫn về thẩm quyền của Tòa án quân sự.
Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, xây dựng và ban hành các nghị quyết, thông tư hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử; kịp thời giải đáp các vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức các Hội nghị trực tuyến tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ. Tiếp tục phát triển án lệ và áp dụng án lệ trong xét xử.
Thứ tư, tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng TAND trong sạch vững mạnh.
Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhằm nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, ,phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, Khóa XII) và các quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện và đề xuất Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đặc biệt là Dự án Luật tổ chức TAND (sửa đổi, bổ sung) và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thi hành Luật. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các quy định, quy chế trong công tác tổ chức, cán bộ theo quy định mới của Đảng; hoàn thiện hệ thống các chức danh tương đương và tiêu chuẩn chức vụ, chức danh trong Tòa án. Tiếp tục tổ chức thí điểm việc đánh giá, phân loại chất lượng công chức, viên chức, người lao động bằng hình thức bảng điểm, tổ chức tổng kết và triển khai áp dụng trong TAND.
Rà soát, phân bổ lại biên chế của TAND các cấp giai đoạn 2022-2026 theo đúng tiêu chí, trọng tâm là khối lượng công việc và các điều kiện đặc thù khác.
Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch và yêu cầu sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp; Siết chặt kỷ luật kỷ cương, đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường; xây dựng môi trường sư phạm trong sáng, mẫu mực từ văn hóa ứng xử, giáo tiếp đến thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn trong Học viện Tòa án.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kỷ cương, kỷ luật công vụ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực của công chức, viên chức; xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu ở những nơi xảy ra tham nhũng, hối lộ…
Đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đùa “Vì Công lý” bảo đảm thực chất, sáng tạo; tăng cường phát động các phong trào thi đua theo chuyên đề, ngắn với với chủ đề, nội dung, chỉ tiêu cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để biểu dương nhân rộng…
Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khẩn trương hoàn thiện và đưa vào sử dụng các phần mềm ứng dụng trong hoạt động của Tòa án, bảo đảm sự tương thích, tích hợp giữa các phần mềm, hướng tới thực thi và nâng cao năng lực quản trị Tòa án trên nền tảng số. Vận hành hiệu quả hệ thống giám sát điều hành, tiếp tục phát triển “Trợ lý ảo” để cung cấp các dịch vụ thông minh hỗ trợ Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác. Đẩy mạnh tích hợp, chia sẻ các dịch vụ công trực tuyến của Tòa án trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đảm bảo vừa có kiến thức cập nhật về công nghệ số, vừa hiểu biết pháp luật và hoạt động của Tòa án.
Thứ sáu, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế theo đúng định hướng công tác đối ngoại của Đảng. Hợp tác chặt chẽ với Tòa án các nước có nền tư pháp tiên tiến, nhằm mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là quan hệ song phương với các nước, các đối tác chiến lược quan trọng và các nước trong khu vực để nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về mô hình, tổ chức hoạt động của Tòa án, xây dựng Tòa án điện tử, cải cách tư pháp để đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án…
Thứ bảy, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật. Kịp thời thông tin truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của Đảng về việc tổ chức triển khai thực hiện trong TAND. Tích cực đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về phương thức và ý nghĩa của xét xử trực tuyến, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Thứ tám, thực hiện tốt công tác quản lý và sử dụng ngân sách, tài sản Nhà nước.
Hoàn thành việc xây dựng các trụ sở TAND cấp tỉnh, trang bị phòng xét xử trực tuyến cho TAND các cấp. Nghiên cứu, xây dựng và bảo đảm kinh phí cho việc triển khai thực hiện các Đề án, chương trình trọng điểm của TAND.
Các Tòa án tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với các đơn vị có liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án, phấn đấu giải ngân 100% vốn kế hoạch dự án.
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; công khai, minh bạch về việc sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước.