Chủ tịch nước: Nâng cao hơn nữa vai trò Cơ quan điều tra của Viện KSNDTC

Chính trị - Ngày đăng : 17:11, 28/12/2022

Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2023 của ngành kiểm sát nhân dân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần nâng cao hơn nữa vai trò của Cơ quan điều tra của Viện KSNDTC để khởi tố, điều tra hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, hành vi tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo đúng quy định.
chu-tich-nuoc-nang-cao-hon-nua-vai-tro-co-quan-dieu-tra-cua-vien-kiem-sat.jpg
Chủ tịch nước: Ngành KSND tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp

Ngày 28/12, Viện KSNDTC tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2023 của ngành kiểm sát nhân dân. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, kết nối điểm cầu chính tại trụ sở Viện KSNDTC cao đến hơn 817 điểm cầu trong toàn ngành.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Đến dự hội nghị có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những thành tựu quan trọng, toàn diện mà đất nước đạt được trong năm 2022 là do sự nỗ lực, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó sự có đóng góp rất quan trọng của ngành KSND.

Điểm lại 7 nhóm nhiệm vụ, kết quả nổi bật mà ngành KSND đạt được trong năm 2022, Chủ tịch nước khẳng định, những kết quả công tác của ngành trong năm 2022 đã góp phần rất quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh theo tinh thần, chủ trương cải cách tư pháp của Đảng ta. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của ngành KSND trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực cố gắng và những đóng góp quan trọng của ngành KSND đối với thành tựu chung của đất nước trong năm 2022”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Về phương hướng nhiệm vụ trong năm 2023 và thời gian tới, Chủ tịch nước nhấn mạnh một số nhiệm vụ chủ yếu.

Theo đó, viện KSND cần khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 27 của Trung ương (khóa XIII) về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”; trong đó liên quan đến ngành KSND là “Hoàn thiện thể chế để viện KSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử...”.

Ngành kiểm sát chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những giải pháp tăng cường năng lực của ngành. Qua đó, tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò và uy tín của ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bảo đảm điều kiện hoạt động của viện kiểm sát các cấp để tạo động lực mới, tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm mới cho sự phát triển của ngành KSND trong thời gian tới.

Nâng cao hơn nữa vai trò của Cơ quan điều tra của Viện KSNDTC để khởi tố, điều tra hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, hành vi tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo đúng quy định. Qua đó, làm tốt vai trò của viện KSND trong cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực tư pháp dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cho rằng, ngành KSND tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn đầu tiên của tố tụng hình sự, thực hiện tốt các nguyên tắc tố tụng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, như nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo chặt chẽ, trọng chứng hơn trọng cung; không để oan sai, bỏ lọt tội phạm; vừa đảm bảo xử lý nghiêm kẻ chủ mưu, vụ lợi, đồng thời đảm bảo tính nhân văn, thuyết phục.

Tăng cường kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực trong hoạt động tư pháp

Tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Chính phủ, Bộ Công an, TANDTC, Văn phòng Chủ tịch nước trong nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá; xét đơn xin ân giảm án tử hình và tổ chức thi hành án tử hình.

Chủ tịch nước lưu ý, xác định con người là yếu tố quyết định, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt” nên ngành kiểm sát cần tập trung tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phân công và sử dụng hợp lý, hiệu quả biên chế cán bộ hiện có; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để nâng cao chất lượng hoạt động của ngành.

Toàn ngành cần tiếp tục tổ chức và triển khai học tập và làm tốt lời Bác Hồ dạy cán bộ kiểm sát là phải "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" bằng những nội dung, hình thức cụ thể phù hợp trong công tác của ngành.

Mặt khác, ngành cần tiếp tục chủ động, tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự; tăng cường kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp nói chung và quyền quyết định việc buộc tội của viện kiểm sát nói riêng. Khẩn trương tổng kết thực tiễn, phối hợp với TANDTC nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế bảo vệ lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương nhưng chưa có người đứng ra bảo vệ theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Trung ương (khóa XIII) mới ban hành. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn lực lượng và triển khai thực hiện công tác giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp.

Ngoài ra, ngành cần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài; thực hiện tốt vai trò cơ quan đầu mối Trung ương trong tương trợ tư pháp hình sự. Chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự và trao đổi kinh nghiệm với viện kiểm sát, cơ quan công tố các nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đồng thời, cùng với việc xác định năm 2023 là năm đột phá về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, thì ngành KSND cũng cần hết sức quan tâm đến vấn đề an toàn thông tin trong hệ thống thông tin của ngành KSND nói chung, của Viện KSNDTC nói riêng.

Chủ tịch nước tin tưởng, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với truyền thống đoàn kết, năng động, đổi mới và trách nhiệm, kỷ cương của ngành kiểm sát, đồng thời, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ phối hợp của các bộ, ngành Trung ương, ngành kiểm sát sẽ tiếp tục thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, đáp ứng lòng mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Năm 2022, ngành kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới gần 87.000 vụ án hình sự, tăng 2,4% so với năm 2021.

Toàn ngành đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết gần 145 nghìn nguồn tin về tội phạm; ban hành gần 120 nghìn văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, yêu cầu khởi tố 568 vụ án, ra quyết định hủy 83 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án không đúng pháp luật…

Ngoài ra, Cơ quan điều tra KSNDTC đã đạt và vượt tất cả chỉ tiêu trong giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra khám phá các loại tội phạm. Đáng chú ý, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 89% (vượt 29% so với chỉ tiêu)…

Đặc biệt, trong năm, số vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ được phát hiện, khởi tố tăng nhiều nhất, trong đó nhiều vụ án được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao như vụ án Việt Á, vụ án xảy ra tại Công ty cổ phẩn Tiến bộ Quốc tế AIC, Tập đoàn FLC, Công ty Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trọng Bằng