Dùng độc tố gây ngộ độc thực phẩm để chữa bệnh thần kinh

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:54, 28/12/2022

Loại độc tố từng gây ngộ độc thực phẩm nặng nề cho hàng loạt người dân Việt Nam vào năm 2020 đã được các bác sĩ ở TP.HCM dùng điều trị những bệnh nhân có bệnh thần kinh mỗi ngày.

Ông L.Đ.A. (51 tuổi, ngụ tại Tây Ninh) đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong tình trạng co cứng cơ sau chấn thương sọ não. Tay và chân người bệnh bị co cứng khiến mọi hoạt động của cá nhân gặp nhiều khó khăn.

Các bác sĩ đã sử dụng Botulinum toxin tiêm cho người bệnh. Sau liệu trình điều trị, cơ của người bệnh mềm ra, tầm vận động của khớp được cải thiện. Hiện bệnh nhân đã có thể tự vệ sinh cá nhân, phương án tập vật lý trị liệu phục hồi vận động cũng dễ dàng hơn.

tham-kham.jpeg
Bác sĩ Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược đang khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Ngày 28/12, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, hiện nay đơn vị đã tiếp nhận điều trị tiêm Botulinum toxin cho nhiều người có bệnh thần kinh (như co cứng cơ, loạn trương lực, co thắt nửa mặt) mỗi ngày.

Theo ThS.BS Đặng Thị Huyền Thương - Khoa Thần kinh của bệnh viện, Botulinum toxin là một protein được sản xuất tự nhiên bởi vi khuẩn Clostridium botulinum.

Đáng chú ý, đây là độc tố cực mạnh, có thể gây ngộ độc thực phẩm nặng. Vào năm 2020, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, có 9 trường hợp ở TP.HCM và 3 trường hợp ở Hà Nội phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sau khi ăn một loại pate nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum. Trong số này, có trường hợp đã tử vong, những người còn sống cũng điều trị nhiều tháng.

Độc tố này có thể gây ngộ độc thực phẩm nhưng các nhà khoa học đã biến đổi thành loại thuốc an toàn và hiệu quả khi sử dụng với liều thích hợp. Thuốc được ứng dụng điều trị nhiều bệnh khác nhau. 

Hiện có 7 loại Botulinum toxin (A, B, C, D, E, F và G). Việt Nam sử dụng hai loại A và B trong y học. Botulinum toxin được tiêm vào cơ hoặc tuyến, làm cho cơ yếu đi hoặc làm cho tuyến giảm tiết nước bọt, giảm tiết mồ hôi. 

Do đó, thuốc này được áp dụng trong các bệnh co thắt nửa mặt, loạn trương lực, co cứng cơ, tăng tiết mồ hôi, tăng tiết nước bọt, run, bàng quang tăng hoạt, đau nửa đầu mạn tính.

Sau khi tiêm Botulinum toxin, sau 2-7 ngày thuốc sẽ bắt đầu có tác dụng, và đạt hiệu quả đầy đủ nhất sau khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, vì Botulinum toxin chỉ có hiệu quả tạm thời, người bệnh cần được tiêm lặp lại mỗi 3-6 tháng, nhưng không được tiêm sớm để ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc.

BS Thương khẳng định, dù Botulinum toxin là một phương pháp điều trị an toàn nhưng vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ. Phổ biến nhất là yếu cơ gần vị trí tiêm, hoặc đau, bầm, chảy máu tại chỗ tiêm. Tác dụng phụ thường chỉ xuất hiện tạm thời và tự thuyên giảm theo thời gian. Rất hiếm khi tiêm Botulinum toxin gây yếu cơ toàn thân hoặc hội chứng giống cúm.

TS.BS Trần Ngọc Tài - Phó Trưởng khoa Thần kinh cho biết thêm, Botulinum toxin thường được tiêm tại cơ đích với liều lượng rất nhỏ, để làm giảm tình trạng co cơ tự ý và cải thiện triệu chứng của người bệnh. Hiện nay, có nhiều kỹ thuật tiêm thuốc vào, bác sĩ sẽ dựa theo tình trạng thực tế của bệnh nhân và lựa chọn thực hiện.

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần lựa chọn đơn vị y tế tin cậy, có năng lực thăm khám cũng như điều trị chính xác. Việc tiêm sai kỹ thuật vừa không giúp cải thiện triệu chứng bệnh, vừa tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các tai biến kỹ thuật, tác dụng phụ nghiêm trọng liên quan đến thuốc.

Thảo Nguyên