Lạc vào không gian cổ tích Đàn thờ Nguyệt Nga công chúa
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 13:54, 28/12/2022
Đàn thờ Nguyệt Nga công chúa thuộc làng Bồng Sơn nằm dưới chân đồi Ba Chạ thuộc dãy đồi đất phía tây xã Hà Tiến (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) là đàn thờ lộ thiên có từ đầu thế kỷ XIX. Năm 2011 đàn thờ được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Theo sử sách ghi lại, Vua Lý Thái Tổ có một người con gái tên Nguyệt Nga, khi giặc Chiêm Thành xâm lược bờ cõi, công chúa mặc đổ giả trai xin đi cùng thái tử đánh trận. Sau đó công chúa mất ở Đức Giang là nơi đất thiêng, vua sai lập đền thờ, nhiều lần được phong tặng bằng sắc ca ngợi công đức. Đàn thờ Nguyệt Nga công chúa có một phiến đá lớn được vây quanh bởi những cây đại thụ hàng trăm năm tuổi. Theo người dân địa phương nơi đây rất linh thiêng.
Trải qua quá trình xây dựng, tôn tạo di tích có 4 bàn thờ bao gồm cả ban thờ Hội đồng, ban thờ Công chúa Liễu Hạnh và Lầu Cô, Lầu Cậu. Đặc biệt, xung quanh có nhiều cây cổ thụ như cây si, cây đại xum xuê, tỏa bóng xung quanh đàn thờ. Vào mùa đông cây đại trụi lá, đưa cành cây vươn về phía đàn thờ. Những tia nắng nhạt lọt xuống phái dưới đu đưa theo từng cơn gió thật là đẹp. Nếu từ phía dưới nhìn lên nền trời lấm tấm mây trắng như một bức tranh mà không gian ngưng đọng. Quây xung quanh là hàng cây si đã phơi mình cùng năm tháng mấy trăm năm. Rể cây xuyên xuống đất tại nhiều vị trí tạo ra hình thế mới lạ.
Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Hà Trung Phan Thị Lan cho biết: Theo các cụ già ở làng Bồng Sơn, đàn thờ trước đây chỉ có hai ban thờ là: Ban thờ Nguyệt Nga công chúa và Ban thờ thần Thổ Địa. Hiện nay, di tích có 4 Ban thờ bao gồm cả Ban thờ Hội đồng và Ban thờ Công chúa Liễu Hạnh và Lầu Cô, Lầu Cậu. Xung quanh đàn thờ có các cây cổ thụ gồm 2 cây si và 4 cây đại cành lá xum xuê, có tuổi đời khoảng chừng 300 năm tuổi, cùng với thảm thực vật phong phú đã tạo cho đàn thờ cảnh quan thâm nghiêm, độc đáo.
Đàn thờ Nguyệt Nga công chúa được tạo dựng từ khoảng 700 năm trước. Ngày lễ là vào 11 tháng Giêng hàng năm, thu hút đông đảo du khách thập phương về dâng hương, thực hành nghi lễ. Hiện nay, diện mạo của di tích còn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn bao gồm các dòng suối, bệ đá lộ thiên, các cây cổ thụ... Tuy nhiên, để phát huy tốt hơn nữa chức năng của di tích, chính quyền địa phương đang kêu gọi đầu tư, thực hiện quy hoạch tổng thể để từng bước tôn tạo, làm cho diện mạo của di tích đầy đủ hơn.
Thanh Hóa đang xác định du lịch là ngành mũi nhọn, trong đó việc nâng cấp các di tích gắn với giá trị lịch sử để thu hút du khách và là địa chỉ đỏ để thế hệ mai sau gìn giữ, phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc. Đàn thờ Nguyệt Nga công chúa cũng cần được xem xét đầu tư, tôn tạo trong tương lai gần.