Xét xử vụ án AIC: Các luật sư gỡ tội cho thân chủ như thế nào?
Pháp đình - Ngày đăng : 12:15, 26/12/2022
Xem xét các tình tiết giảm nhẹ
Theo đó, luật sư Nguyễn Thị Thu, Công ty luật Hợp danh Đông Thành (Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Bồ Ngọc Thu – cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Đồng Nai) cho rằng, những quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát đối với thân chủ của mình là không khách quan, làm tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư, hồ sơ vụ án thể hiện, bị cáo bỏ qua các bước thẩm định khi ký Tờ trình bổ sung phần đầu tư thiết bị y tế không vì động cơ vụ lợi mà chỉ với mục đích để kịp thời gian nộp hồ sơ đăng ký kế hoạch xin vốn ngân sách từ Trung ương.
Cụ thể, luật sư cho biết, căn cứ nội dung bản Kết luận điều tra vụ án hình sự và đề nghị truy tố số 53/BKLĐT-CSKT-P9 ngày 10/11/2022 của Cơ quan CSĐT - Bộ Công an cho thấy, ngày 17/6/2010, bị cáo Thu cùng với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã làm việc với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT. Tại buổi làm việc, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai bổ sung phần thiết bị y tế chuyên môn vào Dự án để báo cáo Bộ đăng ký vốn kế hoạch Dự án từ nguồn trái phiếu Chính phủ.
Ngày 23/6/2010, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ký văn bản số 5006/UBND-CNN gửi thủ trưởng các đơn vị.
Trong đó, đối với dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư theo hướng bổ sung đầy đủ vốn đầu tư thiết bị để đảm bảo hoạt động của bệnh viện, gửi Sở KH&ĐT trước ngày 2/7/2010 để thẩm định và trình duyệt theo quy định, đảm bảo điều kiện hồ sơ đăng ký kế hoạch năm 2011 các dự án trọng điểm của tỉnh kiến nghị Trung ương đưa vào danh mục vốn trái phiếu Chính phủ và hỗ trợ có mục tiêu của kế hoạch năm 2011 trước thời điểm làm việc với Bộ KH&ĐT dự kiến cuối tháng 7/2011.
Đến ngày 19/7/2010, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mới gửi Sở KH&ĐT văn bản số 409/TTr-BVĐN về việc bổ sung đầu tư trang thiết bị y tế chuyên môn.
Luật sư cho hay, vì đã đến hạn gửi hồ sơ ra Trung ương để xin hỗ trợ vốn nên khi nhận được hồ sơ từ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bị cáo Thu đã báo cáo và được lãnh đạo tỉnh đồng ý bỏ qua các bước thẩm định hồ sơ. Do vậy, ngày 20/7/2010 bị cáo Thu đã ký tờ trình 1472/SKHĐT-XDCB tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai về Quyết định điều chỉnh dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, trong đó bổ sung thêm phần đầu tư thêm thiết bị y tế số tiền hơn 756 tỷ đồng…
Từ các phân tích nêu trên và xét các tình tiết giảm nhẹ, nhân thân của bị cáo, luật sư cho rằng, Bồ Ngọc Thu có đầy đủ các điều kiện để được xem xét mức án dưới 36 tháng tù và được hưởng án treo theo Điều 2 của Nghị Quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC.
Đề nghị cân nhắc khi áp dụng mức hình phạt
Tiếp tục ở phần tranh luận sáng nay, các luật sư Đỗ Mạnh Trường, Phí Hồng Quân và Phan Mậu Thìn, Công ty Luật TNHH Liên Việt, Đoàn luật sư TP Hà Nội, người bào chữa cho bị cáo Lê Thị Bích Thủy, giám đốc Công ty TNT cho biết, quá trình tham gia phiên tòa từ ngày 21/12 đến nay, nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Thủy thấy rằng thông qua phần xét hỏi và tranh luận trực tiếp tại phiên tòa đã làm rõ hành vi đồng phạm giúp sức mờ nhạt của bị cáo Thủy.
Đồng thời, đồng ý với quan điểm của Đại diện VKS nhận định về hành vi của bị cáo Thủy là “đồng phạm giúp sức với vai trò không đáng kể” và ghi nhận bị cáo có nhiều đóng góp cho xã hội, được áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ, đề nghị HĐXX áp dụng mức hình phạt án treo cho bị cáo.
Tuy nhiên, luật sư cũng làm rõ thêm về vai trò đồng phạm mờ nhạt và bổ sung thêm các tình tiết giảm nhẹ khác của bị cáo Thủy; cùng những đóng góp đặc biệt của bị cáo cho xã hội để HĐXX cân nhắc áp dụng mức hình phạt vừa thể hiện sự khoan hồng vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cho bị cáo Thủy.
Theo luật sư Đỗ Mạnh Trường, thời điểm năm 2012-2013, Công ty AIC là một doanh nghiệp lớn đa ngành, tham gia đấu thầu nhiều gói thầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai (Dự án). Công ty TNT và các doanh nghiệp khác để bán thiết bị y tế vào Dự án phải tham gia đấu thầu theo sự sắp xếp, điều hành của Công ty AIC.
Theo cơ chế này, bị cáo Thủy phải chấp nhận làm “quân xanh”, “quân đỏ” cho Công ty AIC để bán được hàng vào Dự án đảm bảo công ăn việc làm cho nhân viên, duy trì sự ổn định và phát triển cho công ty. Toàn bộ việc tham gia đấu thầu từ mua hồ sơ mời thầu cho đến việc thiết lập và nộp hồ sơ dự thầu đều do Công ty AIC sắp xếp, Công ty TNT đứng tên tham gia đấu thầu 11 gói thầu và được cung cấp thiết bị vào 02 Gói thầu số 07 và số 65.
Trong đó, gói thầu 07 “cung cấp, lắp đặt hệ thống khí y tế” là gói thầu có yêu cầu kỹ thuật phức tạp đòi hỏi nhà thầu phải đáp ứng cả năng lực về thiết bị và thi công. Thời điểm năm 2013, Công ty TNT là một trong số ít các doanh nghiệp đáp ứng cả về việc cung cấp thiết bị (hãng Drager của Đức theo tiêu chuẩn của các nước G7) và có đội ngũ kỹ sư dày dạn kinh nghiệm làm việc nhiều năm với các hãng thiết bị hàng đầu thế giới đủ năng lực thi công các gói thầu phức tạp trong thời gian dài như Gói thầu 07.
Đến ngày 2/1/2014, Công ty TNT đã hoàn thành việc thi công được hai bên nghiệm thu bàn giao đầy đủ, cho đến nay “Hệ thống khí y tế” tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là hạng mục hoạt động tốt với hệ thống thiết bị thuộc loại tiên tiến, hiện đại bậc nhất trong cả nước.
Do đó, Công ty TNT thực hiện việc thi công gắn liền với việc cung cấp thiết bị của Gói thầu số 07 là “thực hiện công việc trong hợp đồng” đảm bảo việc lắp đặt thiết bị được đồng bộ, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, không phải là “Công ty AIC giao cho Công ty TNT thi công”.
Như vậy, Công ty TNT của Thủy không nằm trong “hệ sinh thái” với Công ty AIC, với mong muốn bán được hàng trong cơ chế thị trường vận hành thiếu kiểm soát nên đã đồng phạm giúp sức có vai trò không đáng kể với hành vi giản đơn đứng tên đấu thầu hộ Công ty AIC.
Xuyên suốt hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNT, bị cáo Thủy là người có nhiều đóng góp cho xã hội, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, công ty TNT và bị cáo Thủy đã có 6 năm liên tục từ năm 2016 đến năm 2022 thực hiện 81 Chương trình tài trợ với tổng giá trị hơn 34 tỉ đồng; trong đó đã xây dựng 1 cơ sở y tế trị giá hơn 3,3 tỷ đồng và hỗ trợ nhiều máy móc, thiết bị, đồ bảo hộ y tế có giá trị khác.
Đặc biệt, vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ngành y tế phải gồng mình chống dịch do đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng máy móc, vật tư, trang thiết bị y tế, Công ty TNT đã chia sẻ khó khăn về vật chất và con người cho ngành y.
Bị cáo Thủy và tập thể cán bộ nhân viên Công ty TNT đã đồng lòng không ngại nguy hiểm đến từng cơ sở y tế hỗ trợ tài chính, trao tặng nhiều máy móc, thiết bị, đồ bảo hộ, tham gia lắp đặt, tập huấn sử dụng máy móc, thiết bị phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân. Riêng trong năm 2022, Công ty TNT đã tài trợ 301 máy thở oxy dòng cao HFNC, 55.000 kit test COVID, 77.200 khẩu trang y tế, 700 bộ đồ bảo hộ y tế và hơn 640 triệu đồng tiền mặt …
Theo đó, luật sư đề nghị HĐXX ghi nhận những đóng góp rất lớn liên tục trong thời gian dài cho xã hội của bị cáo Thủy để áp dụng những chính sách khoan hồng đặc biệt khi quyết định mức hình phạt cho bị cáo.
Ngoài ra, bị cáo Thủy có nhân thân tốt, chưa từng có tiền án, tiền sự, lần đầu phạm tội, được UBND phường Cầu Diễn xác nhận “trước khi xảy ra hành vi phạm tội luôn chấp hành tốt các nghĩa vụ của công dân theo quy định, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và pháp luật, không có bất kỳ vi phạm nào tại địa phương nơi cư trú”. Đồng thời, bố đẻ của bị cáo còn là người có công với cách mạng, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Chiến công hạng Ba”, hoàn cảnh gia đình bị cáo cũng hết sức khó khăn khi chồng bị cáo là quân nhân, bị cáo là lao động chính cáng đáng công việc gia đình, chăm sóc bố mẹ già hai bên, trong đó trực tiếp chăm sóc mẹ chồng thường xuyên đau ốm cùng với 4 con nhỏ…
Theo luật sư, đây là vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, thuộc diện Trung ương chỉ đạo điều tra khẩn trương, triệt để, trong khi nhiều bị cáo chính bỏ trốn và phải tiến hành xét xử vắng các bị cáo này.
Việc được Cơ quan điều tra ghi nhận và kết luận đối với việc hợp tác của bị cáo Thủy đã chủ động “cung cấp nhiều tài liệu, thông tin có giá trị phục vụ quá trình điều tra” là hết sức ý nghĩa, góp phần quan trọng đối với kết quả điều tra để đưa vụ án ra xét xử tại phiên tòa hiện nay; điều đó cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức và ý thức trách nhiệm nhằm đóng góp cho công tác điều tra tội phạm của bị cáo Thủy.
Toàn bộ việc bào chữa chỉ căn cứ vào hồ sơ và quá trình xét hỏi
Trong phần tranh luật trước đó, luật sư Dương Văn Nghị, người được chỉ định bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng GĐ Công ty AIC cho rằng bà Nhàn đã xuất cảnh từ giữa năm 2021, trước khi cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nhàn.
Vì vậy, luật sư Nghị khẳng định cơ quan điều tra chưa thể lấy lời khai của bị cáo Nhàn trong quá trình truy tố hay xét xử; Chủ tịch AIC cũng không thể trình bày ý kiến của bản thân trước những cáo buộc của cơ quan tố tụng.
Từ đó, luật sư Nghị cho biết ngay cả người bào chữa cũng không nắm được quan điểm của bà Nhàn, liệu bà này có nhận tội hay không? Toàn bộ việc bào chữa chỉ căn cứ vào hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi.
Theo luật sư Nghị, Công ty AIC hoạt động đa ngành nghề, vì vậy, bà Nhàn sẽ có rất nhiều việc phải quán xuyến, xử lý. Đối với những đầu việc, nhiệm vụ liên quan đến mua sắm thiết bị cho dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn đã ủy quyền cho Phó Tổng giám đốc Hoàng Thị Thúy Nga thực hiện. Theo luật sư, việc ủy quyền được thể hiện trong giấy ủy quyền, đảm bảo tính pháp lý.
Vì vậy, luật sư Nghị đề nghị HĐXX cân nhắc, đánh giá vai trò, vị trí của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án.