Bổ sung chỉ tiêu nhưng các tỉnh vẫn không tuyển được giáo viên
Giáo dục - Ngày đăng : 10:29, 26/12/2022
Thiếu giáo viên đang là vấn đề nan giải của nhiều địa phương. Ngoài chuyện khó tuyển dụng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên.
Đó là do tăng quy mô học sinh, chuẩn sĩ số học sinh trên lớp giảm so với trước đây. Nhưng có một nguyên nhân lớn là ngành giáo dục như các ngành khác đang phải đảm bảo tinh giản 10% biên chế. Thế là vốn đã thiếu, giờ lại càng thiếu hơn.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có báo cáo số 1295/BC-BGDĐT gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội liên quan đến tình hình thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó có nội dung về các giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2026.
Trên cơ sở đề xuất này, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Tuy nhiên, dù được bổ sung chỉ tiêu nhưng khi thông báo tuyển dụng giáo viên, nhiều địa phương gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển.
Hà Giang thiếu khoảng 1.700 giáo viên, phần lớn là ở bậc mầm non và tiểu học. Nhiều khu vực trong tình trạng thiếu giáo viên và thiếu nguồn tuyển.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến cho biết, toàn tỉnh thiếu 670 giáo viên tiểu học. Một số huyện thiếu giáo viên nên chưa tổ chức học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh lớp 1. Ngoài ra, tỉnh còn thiếu 111 giáo viên THPT và 355 giáo viên THCS; trong đó có giáo viên các môn: Khoa học tự nhiên, Toán, Ngữ văn, Tin học, Tiếng Anh…
Bên cạnh đó, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, địa phương này chưa có giáo viên giảng dạy các môn học: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2, Âm nhạc, Mỹ thuật; chưa có giáo viên được đào tạo chính quy, đúng chuyên ngành giảng dạy các môn: Hoạt động giáo dục trải nghiệm - hướng nghiệp, Giáo dục địa phương; thiếu giáo viên các môn: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục công dân. Giáo viên giảng dạy môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh chưa đảm bảo về trình độ đào tạo.
Do vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng Bộ GD&ĐT rà soát lại chính sách thu hút, hỗ trợ người học và người dạy đã lạc hậu để đề xuất sửa đổi. Chính sách đãi ngộ cần đặc biệt, ưu đãi hơn đối với đội ngũ giáo viên công tác ở miền núi, biên giới.