Cần xem xét thay đổi điều kiện mở thủ tục phá sản doanh nghiệp tại Tòa án

Tòa án - Ngày đăng : 17:20, 25/12/2022

Tại Hội nghị triển khai công tác Toà án năm 2023 vừa qua, Phó Chánh án TAND TP. HCM Nguyễn Thị Thùy Dung đã nêu lên thực trạng liên quan đến Luật Phá sản 2014.

Phó Chánh án cũng mong muốn TANDTC kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi điều kiện mở thủ tục phá sản đang rất bất cập hiện nay, gây khó khăn cho công tác giải quyết các vụ việc của Tòa án và cả doanh nghiệp khi có sự vụ liên quan.

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay, bên cạnh lợi nhuận thì doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn dẫn đến phá sản, đây là hiện tượng tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường. Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến phá sản như sự yếu kém về năng lực tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất – kinh doanh; làm ăn thua lỗ dẫn đến tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã không đủ thanh toán tổng số các khoản nợ khi đến hạn…

Bên cạnh đó còn nhiều nguyên nhân khách quan như biến động nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19… dẫn đến suy giảm cả về nhân lực lẫn nguồn đầu tư.

Phá sản gây ra nhiều hậu quả, khiến doanh nghiệp, hợp tác xã xáo trộn về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, phá sản cũng được xem là giải pháp hữu hiệu trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, góp phần duy trì sự tồn tại của những doanh nghiệp đủ sức đứng vững trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt.

c-dung.jpg
Phó Chánh án TAND TP. HCM Nguyễn Thị Thùy Dung.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác Toà án năm 2023, tại điểm cầu trực tuyến TAND TP. HCM, bà Nguyễn Thị Thuỳ Dung – Phó Chánh án TAND TP. HCM cho biết, do ảnh hưởng của Covid-19, lạm phát kinh tế nên thời gian qua, TAND hai cấp TP. HCM thụ lý rất nhiều đơn đề nghị tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trong đó có nhiều chủ nợ lợi dụng Luật Phá sản năm 2014, cụ thể khoản 1 Điều 4 Luật này quy định: Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Tuy nhiên, thay vì đi khởi kiện bằng thủ tục tố tụng dân sự thì các đơn vị này lại nộp đơn đề nghị tuyên bố phá sản đối với con nợ. Do đó, Tòa án buộc phải mở thủ tục phá sản và phải tiến hành đăng báo, đăng thông tin trên Cổng thông tin của Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh, dẫn đến doanh nghiệp, hợp tác xã không thể vay tiền, ký hợp đồng và phục hồi.

Trước thực trạng trên, Phó Chánh án TAND TP. HCM Nguyễn Thị Thùy Dung mong muốn TANDTC kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Phá sản, thu hồi điều kiện mở thủ tục phá sản để giải quyết phá sản theo hướng phục hồi trước, phá sản sau, tránh gây khó cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Đồng thời, việc sửa đổi sẽ góp phần giảm áp lực cho công tác xét xử, giải quyết các vụ án không chỉ riêng TAND hai cấp TP. HCM mà còn với nhiều địa phương trên cả nước.

Phó Chánh án TAND TP. HCM Nguyễn Thị Thuỳ Dung thông tin thêm, từ đầu năm 2022 đến nay, TAND hai cấp TP. HCM đã thụ lý 80 vụ việc liên quan đến Luật Phá sản, trong đó đã giải quyết được 47 vụ, các vụ còn lại vẫn đang trong quá trình giải quyết.

Theo Luật Phá sản 2014; Nghị định 22/2015 ngày 16/2/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, để được công nhận là phá sản, doanh nghiệp phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện.

hoiuj-nghi.jpg
Lãnh đạo, công  chức, người lao động TAND TP. HCM tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai công tác Tòa án năm 2023 tại điểm cầu TAND TP. HCM.

Thứ nhất, mất khả năng thanh toán. Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Không thực hiện nghĩa vụ thanh toán ở đây có thể là do không có tài sản để thanh toán nợ hoặc cũng có thể là do có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ.

Thứ hai, bị Tòa án tuyên bố phá sản. Khi người có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án nhân dân mở thủ tục phá sản thì Tòa sẽ xem xét, thụ lý đơn yêu cầu và tuyên bố phá sản.

Tùy từng chủ thể có quyền nộp đơn thì có những yêu cầu về hồ sơ riêng. Tuy nhiên, hồ sơ của các chủ thể đó đều có thông tin chung. Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục; Bước 2: Tòa án nhận đơn; Bước 3: Tòa án thụ lý đơn; Bước 4: Tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.

Kim Sáng