TAND tỉnh Long An: Những bài học kinh nghiệm thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Tòa án địa phương - Ngày đăng : 08:14, 23/12/2022

Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2023, ông Lê Quốc Dũng, Chánh TAND tỉnh Long An đã chia sẻ thực tiễn thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án hai cấp tỉnh Long An – những kết quả nổi bật và bài học kinh nghiệm.

Từ điểm cầu TAND tỉnh Long An, Chánh án Lê Quốc Dũng cho biết, những năm gần đây, số lượng thụ lý và giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính trên địa bàn tỉnh Long An diễn biến theo chiều hướng tăng dần, các tranh chấp trong nội bộ nhân dân ngày càng phức tạp.

Trong khi đó, biên chế TAND hai cấp tỉnh Long An giảm dần do cán bộ đến tuổi nghỉ hưu, xin nghỉ việc hoặc chuyển đi nơi khác, đồng thời phải thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương chung, nên trong thời gian qua áp lực công việc của công chức TAND hai cấp tỉnh là rất lớn. Ban cán sự đảng TAND tỉnh Long An đã quyết liệt chỉ đạo Tòa án hai cấp thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra, trong đó bao gồm chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

tand-tinh-longan.jpg
Các đại biểu tham gia tại điểm cầu TAND tỉnh Long An

Cụ thể, năm 2022, TAND hai cấp tỉnh Long An nhận tổng cộng 12.673 đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, trong đó có 10.135 đơn đủ điều kiện tiến hành hòa giải theo Luật và có 5.641 trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn hòa giải, đối thoại theo Luật, chiếm tỷ lệ 55.7%. Tất cả các trường hợp đồng ý chọn hòa giải, đối thoại đã được Tòa án hai cấp thực hiện việc chỉ định Hòa giải viên đúng thời hạn theo quy định tại Điều 17 của Luật.

Sau khi được chỉ định, tất cả các Hòa giải viên đã thực hiện đúng quy định tại Điều 21 của Luật về công tác chuẩn bị hòa giải, đối thoại, trong đó có 5.221 vụ đã được Hòa giải viên tổ chức hòa giải, đối thoại, đạt tỷ lệ 92.6%, trong đó đơn vị Tòa án huyện Đức Huệ đã tổ chức hòa giải 312/315 vụ việc, đạt tỷ lệ 99,04%; 420 vụ chưa đến thời gian hòa giải, đối thoại theo thông báo của Hòa giải viên, chiếm tỷ lệ 7.4%.

Trong số 5.221 vụ việc được tổ chức hòa giải, đối thoại, có 2.716 vụ việc đã hòa giải, đối thoại thành, đạt tỷ lệ 52%. Đặc biệt, đơn vị Tòa án huyện Đức Huệ đã tổ chức hòa giải thành 245/312 vụ, đạt tỷ lệ 78.5%, trong đó có 8/8 vụ tranh chấp lao động đạt tỷ lệ 100% và hòa giải đoàn tụ được 34 trường hợp.

Đối với 2.505 trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại được, chiếm tỷ lệ 48%, có 1.146 trường hợp do người bị kiện không đồng ý hòa giải, đối thoại và 1.359 trường hợp người bị kiện vắng mặt. Trong số 2.716 vụ việc hòa giải, đối thoại thành, có 1.868 trường hợp các bên có yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả, đạt tỷ lệ 68.8%; 575 trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện sau khi được Hòa giải viên tổ chức hòa giải, chiếm tỷ lệ 21.2%.

tandt-2.jpg
Điểm câu trung tâm TANDTC

Để có được những kết quả nêu trên, Tòa án hai cấp của tỉnh đã nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của TANDTC; sự quan tâm của các cấp ủy, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về nhân sự, cơ sở vật chất, sự nhiệt tình, tâm huyết trong thực thi nhiệm vụ được phân công của các Hòa giải viên; Cán bộ công chức Tòa án hai cấp có ý thức trách nhiệm, thực hiện tốt việc thi hành Luật.

Theo đó, Ban cán sự đảng TAND tỉnh Long An quan tâm chỉ đạo các TAND cấp huyện phối hợp với cơ quan truyền thông địa phương có hình thức phổ biến, tuyên truyền Luật phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để người dân biết và thực hiện; quán triệt và chỉ đạo Tòa án hai cấp thực hiện tốt các nội dung công việc theo yêu cầu của Công văn số 188/TANDTC-PC ngày 03/12/2020 của TANDTC về triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật, Lãnh đạo các đơn vị thuộc TAND tỉnh và Tòa án cấp huyện đã triển khai đến toàn thể cán bộ công chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định về hòa giải, đối thoại theo Luật; bám sát và thực hiện đúng hướng dẫn của TANDTC, TAND tỉnh; quán triệt cho Thư ký Tòa án hoặc cán bộ được phân công tiếp công dân và nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu phải hướng dẫn, giải thích quyền lợi cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quy định của Luật; giải thích quyền lựa chọn Hòa giải viên, lợi ích của việc lựa chọn giải quyết tranh chấp theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Tất cả các Tòa án cấp huyện đã niêm yết công khai tại trụ sở đơn vị một số quy định chủ yếu của Luật, như: Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại; chi phí hòa giải đối thoại tại Tòa án; những trường hợp không tiến hành hòa giải đối thoại tại Tòa án; quy trình hòa giải đối thoại; danh sách Hòa giải viên của Tòa án án nhân dân hai cấp.

Việc tuyên truyền, phổ biến Luật còn thông qua viết bài tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử TAND tỉnh Long An; đề nghị Đài truyền thanh cấp huyện tuyên tuyền trên địa bàn huyện; qua các cuộc họp của Hội Luật gia triển khai công tác của Luật gia đến các trung tâm pháp luật cộng đồng, chi hội Luật gia thuộc các xã, thị trấn trong huyện; một số huyện đã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện đưa vào nội dung tuyên truyền pháp luật năm 2021.

Bên cạnh đó, Hòa giải viên khi tiến hành hòa giải, đối thoại cũng giải thích, phổ biến các quy định liên quan để người dân thấy được lợi ích, an tâm lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp theo Luật.

Đối với cơ sở vật chất phục vụ cho công tác hòa giải, đối thoại: TAND tỉnh và các đơn vị Tòa án cấp huyện đã bố trí được nơi thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại. Một số đơn vị Tòa án huyện đã đề nghị và được UBND cấp huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng mở rộng hoặc cho mượn trụ sở cũ của đơn vị khác phục vụ công tác hòa giải, đối thoại. Các trang thiết bị phục vụ cho công tác hòa giải, đối thoại tương đối đáp ứng yêu cầu hiện tại của Hòa giải viên.

Đối với kinh phí hỗ trợ công tác hòa giải, đối thoại, căn cứ mức thù lao hòa giải, đối thoại dành cho Hòa giải viên đối với từng vụ việc được quy định tại Nghị định số 16/2021/NĐ-CP ngày 03/03/2021 của Chính phủ, Tòa án tỉnh đã dự toán và được cấp kinh phí để thanh toán thù lao cho Hòa giải viên hai cấp.

Trong công tác tổ chức hoạt động hòa giải, đối thoại, Tòa án hai cấp có 83 Hòa giải viên được bổ nhiệm. Các Hòa giải viên đa số là người có thời gian công tác trong các ngành tư pháp hoặc cán bộ, lãnh đạo nghỉ hưu, có uy tín, có kỹ năng “dân vận khéo”, kiến thức pháp luật sâu rộng.

Tại một số đơn vị Tòa án cấp huyện trong tỉnh, ngay sau khi được bổ nhiệm, các Hòa giải viên đã chủ động đề xuất với Ban Lãnh đạo Tòa án cử 01 Hòa giải viên làm Tổ trưởng Trung tâm Hòa giải để tập trung việc giao nhận hồ sơ với Tòa án về một đầu mối nhằm thuận tiện cho công tác quản lý; định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất, Trung tâm tự tổ chức họp để rút kinh nghiệm công tác đã qua, có mời Thẩm phán phụ trách Trung tâm tham gia để triển khai tóm tắt các văn bản pháp luật mới, các chủ trương, các văn bản chỉ đạo của Tòa án cấp trên, trao đổi nghiệp vụ, rút kinh nghiệm về công tác hòa giải,... phản ánh những khó khăn, vướng mắc của công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án để kịp thời tháo gỡ và phối hợp thực hiện. Theo giấy giới thiệu của Tòa án, Hòa giải viên chủ động liên hệ với cán bộ tư pháp xã, Trưởng ấp trước khi giao thư mời cho đương sự.

tand-tinh-longan1.jpg
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu TAND tỉnh Long An

Để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành Luật trong thời gian tới, Ban cán sự đảng TAND tỉnh Long An tiếp tục quán triệt đến TAND hai cấp thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục triển khai, quán triệt đến cán bộ công chức Tòa án hai cấp và đội ngũ Hòa giải viên về việc tiếp tục tổ chức thực hiện Luật một cách có hiệu quả. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị và vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác này.

Hai là, đẩy mạnh đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp tuyên truyền, phổ biến Luật để người dân hiểu rõ hơn ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án và đưa Luật thực sự đi vào cuộc sống, trở thành phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tốt nhất, hiệu quả nhất trong đời sống, xã hội.

Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật; qua đó kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm và chỉ đạo chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện, nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại cũng như đảm bảo tiến độ công tác triển khai, thi hành Luật được kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Bốn là, củng cố, kiện toàn đội ngũ Hòa giải viên của Tòa án hai cấp để đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát Hòa giải viên trong việc thực thi nhiệm vụ để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Năm là, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kịp thời giải đáp vướng mắc để Thẩm phán, Thư ký, Hòa giải viên nắm chắc các quy định pháp luật và văn bản hướng dẫn liên quan về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại, nhất là kỹ năng hòa giải các tranh chấp dân sự, đối thoại các khiếu kiện hành chính.

Sáu là, trang bị cơ sở vật chất đáp ứng các tiêu chí phục vụ công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Bảy là, chủ động phối hợp, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thi hành Luật.

Tám là, tổ chức sơ kết, tổng kết công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án; kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật và có hình thức xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân vi phạm trong hoạt động hòa giải, đối thoại theo Luật.

Mai Đỉnh - Hoàng Nhưỡng