Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2023: Nâng cao hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND
Tòa án - Ngày đăng : 19:32, 22/12/2022
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, sau khi điểm qua những dấu mốc quan trọng của hệ thống TAND trong năm 2022, những vấn đề đặt ra trong năm 2023, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã bày tỏ mong nhận được nhiều ý kiến tham gia đóng góp về công tác Tòa án của các đại biểu các Bộ, Ban, ngành ngay tại Hội nghị và các diễn đàn khác; mong các đại biểu trong hệ thống Tòa án tích cực phát biểu ý kiến, góp phần vào thành công của Hội nghị.
Ngay sau bài khai mạc của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, phát biểu: “Trong năm 2022, áp lực của 3 ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án là rất lớn do tình trạng tội phạm tăng tới 10%. Đặc biệt, sau dịch bệnh Covid-19, các tranh chấp về dân sự tăng cao. Nhưng nhờ có sự trao đổi, phối hợp thường xuyên nên 3 ngành vẫn cố gắng đấu tranh quyết liệt với tội phạm, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, cũng khẳng định sự phối hợp giữa 3 ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án trong thời gian qua đã được nâng lên một tầm cao mới. Đặc biệt là trong những vụ án trọng điểm và công tác xét xử trực tuyến. Trung tướng cũng tin tưởng trong năm 2023, hệ thống Tòa án sẽ phát huy thành tích đã đạt được, có những kết quả tốt hơn nữa.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được xem những thước phim tài liệu khái quát về những sự kiện nổi bật và thành tích mà hệ thống Tòa án đã đạt được trong năm 2022. Theo đó, trong năm 2022, số lượng các loại vụ việc mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết gia tăng (tăng gần 6% so với năm trước) với tính chất, mức độ ngày càng đa dạng, phức tạp. Tình hình an ninh chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới và trong nước bên cạnh những thuận lợi, cũng phát sinh nhiều khó khăn mới. Đặc biệt trong những tháng đầu năm, dịch Covid-19 lây lan nhanh, với số ca lây nhiễm trong cộng đồng rất cao ở một số địa phương đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải quyết các loại vụ việc thuộc thẩm quyền.
Bên cạnh nhiệm vụ phải làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội, các Tòa án còn phải tiếp tục tập trung thực hiện tốt Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tổ chức thi hành Nghị quyết của Quốc hội về phiên tòa xét xử trực tuyến...
Để chủ động triển khai các nhiệm vụ công tác năm 2022, ngay từ đầu năm, Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC đã kịp thời ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các Tòa án nhân dân. Trên cơ sở đó, các Tòa án đã khẩn trương xây dựng, đề ra chương trình, kế hoạch công tác với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể và tổ chức thực hiện quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội và của TAND đề ra.
Được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Đảng, Nhà nước và Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành ở Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng như sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động Tòa án các cấp nên các Tòa án đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm công tác được giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc; xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án; công tác thi hành án và một số mặt công tác chuyên môn, nghiệp vụ khác tiếp tục được nâng lên. Tính từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022, các Tòa án thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc (đạt tỷ lệ 88,9%; cao hơn năm trước 7,7%). So với năm 2021, số vụ việc đã thụ lý tăng 29.944 vụ; đã giải quyết tăng 68.021 vụ.
Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được bảo đảm theo hướng thực chất, hiệu quả. Trong năm qua, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội . Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội.
Đặc biệt, trong năm 2022, các Tòa án đã tổ chức xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ. Ngoài hình phạt nghiêm minh, trong quá trình xét xử, các Tòa án đã chú trọng đến việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại. Các Tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 840 vụ, 1.995 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền trên 4.027 tỷ và các tài sản khác; có 521 vụ với 1.348 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt là hơn 776 tỷ đồng.
Trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình… các đơn vị trong Hệ thống Tòa án đã quan tâm, chú trọng đến công tác hòa giải, đối thoại. Kể từ khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực, các Tòa án đã khẩn trương triển khai thực hiện; chủ động bố trí phòng làm việc cũng như trang thiết bị phục vụ công tác hòa giải phù hợp điều kiện thực tiễn của đơn vị; tăng cường phổ biến, tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân, đương sự về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. TANDTC đã tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại đối với 515 học viên là các Hòa giải viên tại 03 miền Bắc, Trung, Nam nhằm nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại. Đến nay, các Tòa án đã bổ nhiệm được hơn 3.000 Hòa giải viên.
Bên cạnh đó, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được tổ chức thi hành khẩn trương và đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn. Tính đến nay, có tổng cộng 622 Tòa án trên cả nước đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 3.614 vụ án.
Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, đã giúp hạn chế tập trung đông người tại một phòng xử án, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí và thời gian đến phiên tòa.
Ngoài giải quyết, xét xử các loại án, các đơn vị Tòa án còn hoàn thành tốt nhiều mặt công tác khác như công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; công tác thanh tra, kiểm tra đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ; tích cực tham gia xây dựng thể chế; tăng cường xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật…
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe một số ý kiến, tham luận của các Tòa án địa phương như: TAND cấp cao tại Đà Nẵng với tham luận về xét xử trực tuyến; TAND tỉnh Long An tham luận về công tác hòa giải, đối thoại; TAND tỉnh Thái Bình tham luận về công tác giải quyết, xét xử án hành chính…
Thay mặt cho lãnh đạo TANDTC, đồng chí Nguyễn Văn Du, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC báo cáo tóm tắt chuyên đề về việc khắc phục, chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ của các Tòa án nhân dân năm 2022; đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC đã quán triệt Nghị quyết của Ban cán sự Đảng TANDTC về lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2023; đồng chí Dương Văn Thăng, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương trình bày Dự thảo Chỉ thị của Chánh án TANDTC về công tác năm 2023…
Sau khi đồng chí Phạm Hồng Quyền, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng TANDTC, công bố các quyết định khen thưởng cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2022, đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC đã phát động phong trào thi đua năm 2023…
Kết luận Hội nghị, thay mặt cho Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực TANDTC đã đánh giá về cơ bản, Hội nghị đã hoàn thành các nội dung đề ra với chất lượng cao. Các ý kiến thảo luận tại Hội trường, tại các điểm cầu rất chất lượng, thẳng thắn. Ý kiến phát biểu của các đại biểu nhìn chung đều bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung các dự thảo; đồng thời bổ sung, làm rõ thêm nhiều vấn đề, nêu thêm một số kinh nghiệm, cách làm tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thời gian qua và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp trong thời gian tới.
Phó Chánh án thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cũng nêu rõ, năm 2023 là năm bản lề của đất nước ta trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026; cũng là năm đầu tiên các cấp, các ngành triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trọng trách của các Tòa án là cần tập trung nâng cao chất lượng xét xử, thực hiện các yêu cầu cải cách tư pháp để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND.
Căn cứ vào các Nghị quyết, Kế hoạch, Chỉ thị của Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC, đề nghị Chánh án các Tòa án, Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của đơn vị mình. Trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, đề nghị lãnh đạo Tòa án các cấp đề cao và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp của TANDTC; Chánh án Tòa án các cấp phải đảm bảo thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Thẩm phán; gương mẫu, bản lĩnh để bảo vệ quan điểm và thực hiện đầy đủ thẩm quyền của Tòa án được pháp luật quy định.