Kinh nghiệm giải quyết, xét xử các vụ án hành chính tại TAND hai cấp tỉnh Thái Bình
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 16:09, 22/12/2022
Theo đồng chí Tô Thị Lý, Phó Chánh án TAND tỉnh Thái Bình, trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2022, số lượng án hành chính TAND hai cấp tỉnh Thái Bình phải thụ lý, giải quyết có xu hướng gia tăng, chủ yếu các loại việc thuộc thẩm quyền cấp tỉnh và tập trung chủ yếu là các khiếu kiện Quyết định hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai như khiếu kiện về việc bồi thường khi thu hồi đất và các khiếu kiện quyết định hành chính liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Trong năm 2022, TAND hai cấp tỉnh Thái Bình đã giải quyết 299/303 vụ án hành chính, tăng 186 vụ so với năm 2021. Trong đó Tòa án tỉnh giải quyết 291/296 vụ (thụ lý tăng 175 vụ, giải quyết tăng 182 vụ so với năm 2021) gồm: Khiếu kiện các QĐHC về việc bồi thường khi thu hồi đất: 175/179 vụ; Khiếu kiện quyết định hành chính liên quan đến việc giải quyết chế độ chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: 104/104 vụ; Các loại việc khác: 12/13 vụ.
Nói về sự thuận lợi trong xét xử các vụ án hành chính, đồng chí Tô Thị Lý cho rằng, Quốc hội ban hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và các Nghị quyết hướng dẫn thi hành Luật tố tụng hành chính; TANDTC đã ban hành các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC, các công văn giải đáp về nghiệp vụ trong đó có nghiệp vụ giải quyết án hành chính. Các văn bản đó cơ bản đã quy định và hướng dẫn rõ ràng về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án, về thẩm quyền của Tòa án, về quyền và nghĩa vụ tố tụng của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng, về thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.
Vì vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng, góp phần rất lớn vào việc giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật các vụ án hành chính, tạo niềm tin cho người dân và cơ quan hành chính nhà nước, người có chức vụ trong cơ quan hành chính nhà nước vào cơ quan pháp luật trong quá trình tham gia tố tụng giải quyết các vụ án hành chính.
Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1051/NQ-UBTPQH ngày 10/01/2018, Ủy ban Tư pháp Quốc hội về việc giám sát việc chấp hành pháp luật trong giải quyết các vụ án hành chính; Chánh án TANDTC đã ban hành Công điện số 01/2018/CT-CA ngày 26/10/2018 và Chỉ thị số 03/2018/CT-CA ngày 05/12/2018 về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính. Ban cán sự đảng và lãnh đạo TAND tỉnh Thái Bình kịp thời triển khai, quán triệt việc thực hiện các văn bản chỉ đạo về công tác xét xử án hành chính tới toàn thể cán bộ công chức Tòa án hai cấp trong tỉnh, yêu cầu Thẩm phán, Thư ký đề cao ý thức trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp và tinh thần khắc phục mọi khó khăn trong giải quyết án hành chính.
Cùng với đó, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương trong việc thực hiện Luật Tố tụng hành chính. Cấp ủy có văn bản chỉ đạo Tòa án, hàng tháng báo cáo về tình hình thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính và việc chấp hành pháp luật của các cơ quan hành chính trong tỉnh khi tham gia tố tụng tại Tòa án; Đã ký quy chế phối hợp giữa Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Ban cán sự đảng TAND tỉnh trong việc thực hiện Luật tố tụng hành chính. Từ đó nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính bị kiện khi tham gia tố tụng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vụ án của Tòa án.
Sự thuận lợi còn phải kể đến đội ngũ Thẩm phán có trình độ chuyên môn và kỹ năng trong việc giải quyết án hành chính. Trong quá trình giải quyết án hành chính luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên trì trong đối thoại để tạo điều kiện cho các bên có phương án giải quyết tốt nhất những vấn đề cần giải quyết trong vụ án.
Ngoài những thuận lời thì cũng gặp những khó khăn bất cập như, trong quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn; khó khăn trong việc thu thập chứng cứ; khó khăn trong việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng...
Cụ thể như, không quy định về trường hợp người khởi kiện vắng mặt 02 lần tại phiên họp tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại thì Tòa án được đình chỉ việc giải quyết vụ án. Do luật tố tụng hành chính không quy định nên Tòa án phải chuyển sang giai đoạn tiếp theo, nếu người khởi kiện tiếp tục vắng mặt 02 lần tại phiên tòa thì Tòa án mới được đình chỉ giải quyết vụ án. Vì thế nhiều trường hợp người khởi kiện gây khó khăn, cố tình vắng mặt tại phiên công khai chứng cứ và đối thoại, làm cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài.
Các tài liệu, chứng cứ cần thu thập thường không được lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ, lưu trữ ở nhiều cơ quan, nhiều cấp khác nhau. Ví dụ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhiều văn bản, tài liệu được ban hành từ những năm trước, thời gian đã rất lâu nên thể thức văn bản không đúng, nội dung không rõ ràng dẫn đến khó khăn trong việc xác định Thẩm quyền, thời hiệu cũng như nội dung làm căn cứ giải quyết vụ án.
Hoặc gặp phải khó khăn về trình độ, sự hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế dẫn đến yêu cầu đòi bồi thường khi thu hồi đất không có căn cứ pháp luật. Đối với người khởi kiện: Đơn khởi kiện thường không đúng theo quy định tại Điều 118 Luật tố tụng hành chính, vì vậy Thẩm phán thường mất thời gian trong việc xử lý đơn...
Để có được kết quả ấn tượng về giải quyết, xét xử các vụ án hành chính tại TAND hai cấp tỉnh Thái Bình, theo đồng chí Tô Thị Lý, bài học kinh nghiệm được đặt ra là:
Một là: Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan hành chính bị kiện thực hiện nghiêm quyền và nghĩa vụ của họ khi tham gia tố tụng tại Tòa án, đồng thời tranh thủ ý kiến về chuyên môn nghiệp vụ của Tòa án cấp trên, đảm bảo kết quả giải quyết đúng pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Hai là: Tích cực, chủ động, kiên trì trong việc đối thoại, giải thích các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung yêu cầu khởi kiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bên tham gia đối thoại. Chủ động ngay từ giai đoạn xử lý đơn, thủ tục đối thoại của các đối thoại viên cũng như của các Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án. Từ đó tăng tỷ lệ người khởi kiện rút đơn khởi kiện không phải chuyển thụ lý vụ án theo tố tụng…
Ba là: Tăng cường công tác kiểm tra của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh khắc phục những sai sót nghiệp vụ trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hành chính. Tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ, tổ chức rút kinh nghiệm công tác xét xử các loại án trong đó có án hành chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng giải quyết án cho đội ngũ Thẩm phán và các chức danh tư pháp, khắc phục có hiệu quả việc ngại va chạm trong xét xử án hành chính để thực hiện tốt nguyên tắc “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Việc rút kinh nghiêm được tiến hành thường xuyên tại các buổi giao ban tuần, tháng, hội nghị rút kinh nghiệm bằng hình thức trực tuyến hàng quý, hội nghị sơ kết công tác 6 tháng…
Ngoài ra, lãnh đạo các đơn vị thường xuyên kiểm tra, rà soát các vụ án hành chính đã thụ lý để xây dựng kế hoạch xét xử, trong đó: xác định thứ tự ưu tiên giải quyết, có biện pháp xử lý dứt điểm đối với các vụ án thụ lý đã lâu, những vụ án có khó khăn vướng mắc cần chủ động trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ. Đồng thời tăng cường tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến theo Nghị quyết 33/2021 của Quốc hội và sự chỉ đạo của TANDTC.