Phú Thọ: Bảo tồn giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch
Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 23:37, 20/12/2022
Giá trị di sản văn hóa
Tỉnh Phú Thọ là một trong những tỉnh có nhiều di tích, di sản văn hóa Quốc gia, được đánh giá là “vùng đất vàng” cho phát triển du lịch với 967 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có 324 di tích được Nhà nước xếp hạng, có 987 di sản văn hoá phi vật thể, năm Bảo vật Quốc gia... Khu Di tích lịch sử Đền Hùng còn là không gian văn hóa thiêng liêng của dân tộc Việt cùng với hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ” là điểm nhấn để Phú Thọ xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Tỉnh Phú Thọ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh quảng bá, liên kết để phát triển du lịch.
Những năm qua, xác định bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa, du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách, quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. 10 năm trở lại đây đã có hơn 200 di tích được tu bổ, tôn tạo, tạo không gian thực hành di sản văn hóa phi vật thể, tạo điều kiện phát triển du lịch. Nhiều di tích được quy hoạch, tu bổ, tôn tạo, trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa đặc trưng, tạo ra những điểm, tuyến du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước.
Các cơ quan ban ngành của tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiểu giải pháp giữ gìn văn hóa phi vật thể thông qua các đề án giữ gìn và phát huy Hát Xoan Phú Thọ, giai đoạn 2020-2025; xây dựng Đề án “Phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”; “Đề án tiếp tục công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021- 2025”; “Đề án bảo tồn và phát triển một số loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tân Sơn, giai đoạn 2019- 2022, định hướng đến năm 2025”... Đồng thời tiến hành kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó đã xây dựng và bảo vệ thành công 14 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Lễ hội Trò Trám, Lễ hội Đào Xá, Lễ hội Đền Lăng Sương, Lễ hội Đền Chu Hưng, Nghề làm nón lá Sai Nga, Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt xã Nga Hoàng, Nghi lễ cấp sắc của người Dao Tiền ở Xuân Sơn...
Phát triển du lịch về với cội nguồn
Năm 2022, hoạt động du lịch Phú Thọ có nhiều khởi sắc và phục hồi mạnh mẽ, lượng khách quốc tế lưu trú là 7.500 lượt khách, tăng 88% so với năm 2021, lượng khách nội địa lưu trú 677.500 lượt khách, tăng 125% so với năm 2021. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.650 tỉ đồng.
Với nguồn tài nguyên quý giá đã tạo điều kiện để Phú Thọ phát triển du lịch, các di tích lịch sử- văn hóa gắn với di sản văn hóa phi vật thể đã và đang là điểm nhấn trong các tour du lịch văn hóa, tâm linh đặc trưng - đây là một trong những nội dung đã được xác định trong Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù có lợi thế phát triển là du lịch gắn với lịch sử - văn hóa, du lịch cộng đồng, sinh thái, xây dựng chương trình du lịch tại tỉnh Phú Thọ gắn với các tour du lịch liên kết tám tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh.
Đến nay, một số tuyến du lịch đã được đưa vào khai thác hiệu quả, thu hút đông đảo du khách như: Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Miếu Lãi Lèn- Làng cổ Hùng Lô; Khu Di tích lịch sử Đền Hùng- Làng cổ Hùng Lô- Vườn Quốc gia Xuân Sơn- Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy... Đồng thời, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch như: Đăng cai tổ chức môn bóng đá nam SEA Games 31 và các trận đấu giao hữu quốc tế; tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022; tổ chức tour du lịch học đường “Hướng về nguồn cội”, tiếp tục đón các đoàn khách du lịch quốc tế đường sông đến thăm quan, trải nghiệm du lịch Phú Thọ.
Về việc quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Tỉnh Phú Thọ đã đổi mới các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả, mở rộng thị trường, thu hút khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tìm kiếm thông tin về du lịch Phú Thọ trên hai trang thông tin điện tử dulichphutho.com.vn và dulichtaybac.vn; App du lịch thông minh Myphutho.vn và trên các nền tảng mạng xã hội, phối hợp triển khai xây dựng hệ thống ứng dụng CNTT vào hoạt động thuyết minh tự động quét QR code tại đình Hùng Lô nhằm đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Hình ảnh về du lịch Phú Thọ còn được giới thiệu tới đông đảo người dân, du khách trong nước, quốc tế tại các sự kiện trong khuôn khổ chương trình hợp tác: “Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh”, “Tuần văn hóa du lịch Mường Lò” tỉnh Yên Bái, chương trình Festival Tinh hoa Tây bắc- Hương sắc Lào Cai tại Sapa, Hội chợ du lịch quốc tế - VITM Hà Nội, Hội chợ du lịch quốc tế VITM Đà Nẵng, tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch Phú Thọ tại thành phố Đà Nẵng, hội nghị kích cầu, mở cửa trở lại hoạt động du lịch, chủ động kết nối các tour du lịch an toàn đón khách theo các chương trình liên kết, hợp tác…
Với nhiều giải pháp đồng bộ đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp xây dựng Phương án phát triển ngành du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào Quy hoạch chung tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó định hướng đến năm 2030 Phú Thọ trở thành trung tâm du lịch của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, trở thành điểm đến hấp dẫn trong nước và quốc tế; đến năm 2050, Phú Thọ là trung tâm du lịch văn hóa cội nguồn của cả nước.