Chủ tịch Quốc hội: Vi phạm trong lĩnh vực văn bản, phát hiện kém lại xử lý không nghiêm
Chính trị - Ngày đăng : 17:58, 20/12/2022
Sáng 20/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Hơn 21% văn bản chưa ban hành, chậm ban hành
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua đã thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, đất nước.
Chương trình hành động của Đảng Đoàn Quốc hội đã xác định rõ, việc đổi mới, đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, cùng với các hoạt động giám sát khác đã được triển khai hiệu quả trong thời gian vừa qua.
Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội quan tâm chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, để đổi mới, tăng cường thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát. Trong đó, xác định trọng tâm là việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở vững chắc cho việc huy động quản lý, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu kịp thời phát hiện những nội dung văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, pháp luật, văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên; không còn phù hợp, để đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản.
Đồng thời xử lý theo thẩm quyền, các kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền xử lý, các cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản trái pháp luật.
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội đã rất tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ quan thực hiện tích cực, trách nhiệm, thì vẫn còn có cơ quan thực hiện chưa nghiêm túc trong việc giám sát các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Vì thế, còn những hạn chế như phương thức, trình tự, quy trình tiến hành còn chung chung, chưa cụ thể, nhất là từng bước tiến hành giám sát, trách nhiệm của từng chủ thể giám sát, hồ sơ, mẫu biểu và kết quả báo cáo giám sát.
“Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các quy định hướng dẫn chi tiết, qua giám sát cho thấy có tới hơn 21% văn bản chưa ban hành hay còn chậm ban hành. Phải chăng là do thiếu giám sát, đôn đốc, nhắc nhở dẫn đến việc các cơ quan còn chậm ban hành? Có những văn bản hơn 3 năm 10 tháng chưa ban hành, kể từ khi luật có hiệu lực. Rõ ràng, công tác xây dựng và thực thi pháp luật chưa nghiêm”, ông Bùi Văn Cường nêu rõ.
Xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, nhấn mạnh Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, việc thượng tôn pháp luật phải đặt lên hàng đầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc giám sát các văn bản quy phạm pháp luật là việc hết sức quan trọng.
Chỉ rõ thực trạng trong việc thực thi pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng như việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn từ Nghị định cho đến Thông tư hoặc không ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Qua kiểm tra cho thấy vẫn còn tình trạng Nghị định quy định những vấn đề mà trong Luật không đặt ra, hoặc quy định còn vượt ra khuôn khổ quy định của pháp luật hoặc sai các quy định của pháp luật. Một số văn bản không phải văn bản quy phạm pháp luật nhưng điều chỉnh cả những văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ đã có nhắc nhở về những bất cập, tồn tại này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hàng năm, Bộ Tư pháp đã kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã phát hiện không ít trường hợp vi phạm phạm luật trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật này. Đồng thời cho rằng, việc xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời, vẫn coi nhẹ tình trạng các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Những vi phạm trong lĩnh vực văn bản này như chậm tiến độ, quy định các vấn đề chồng chéo, sai quy định pháp luật…vừa gây cản trở, ách tắc, vừa gây lãng phí, thất thoát trong các lĩnh vực, thâm chí liên quan tới tham nhũng, tiêu cực. Có lỗi là vô tình, có lỗi là cố ý, mà cố ý chính là tham nhũng chính sách. Chúng ta phát hiện kém nhưng lại xử lý không nghiêm”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, từ thực trạng hủy bỏ không kịp thời, sửa đổi, bổ sung còn chậm, khâu tổ chức thực thi pháp luật, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Nhắc lại trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị của Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương là báo cáo giám sát còn mờ nhạt, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát còn chưa cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho các cơ quan hữu quan, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã rất tích cực đóng góp cho quá trình xây dựng Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 này, vừa hướng dẫn vừa kiểm tra, có tính chất đôn đốc, nhắc nhở Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong công tác giám sát. Theo đó thống nhất về quy trình, cách thức tổ chức thực hiện để có căn cử pháp lý triển khai thực hiện.
Người làm công tác giám sát không tốt bị xem xét trách nhiệm
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, sau Hội nghị này phải có thông báo Kết luận của Hội nghị về những việc cần làm, một mặt quán triệt tinh thần của Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15, một mặt phải thống nhất về nhận thức, cách thức hành động để tổ chức thực hiện.
“Người làm công tác giám sát không làm tốt thì cũng bị xem xét trách nhiệm. Việc tổ chức Hội nghị hôm nay để thống nhất nhận thức như thế, trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước. Luật pháp là để kiến tạo và phát triển, ban hành có tốt đến mấy mà việc thực thi pháp luật không nghiêm thì đất nước khổng thể phát triển được”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua Hội nghị này, việc quán triệt tinh thần của Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15. Cho rằng còn nhiều ý kiến khác nhau về phân công và trách nhiệm giám sát vấn đề này tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 quy định Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tổ chức giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật trước hết trong lĩnh vực phụ trách, trong nhiệm vụ cụ thể mà UBTVQH giao cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Ngoài giám sát thường xuyên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu có thể tổ chức giám sát theo chuyên đề như phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, có thể đưa giám sát của UBTVQH, thậm chí của Quốc hội theo chuyên đề, phân công cơ quan thường trực và thành lập Đoàn giám sát thực hiện. Chủ tịch Quốc hội đề nghị năm 2023 cần tăng cường thực hiện vấn đề này, đồng thời cần lưu ý đối tượng giám sát không phải chỉ riêng từng luật mà còn liên quan đến trách nhiệm của cơ quan được giám sát trong lĩnh vực cụ thể, hoặc thực hiện các kết luận kiến nghị liên quan.
Kết quả giám sát phải phát hiện những quy định của pháp luật không còn phù hợp
Đề cập về việc thiết lập cơ chế phối hợp và hệ thống cơ sở dữ liệu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phải lập, ban hành kế hoạch để triển khai Nghị quyết này. Bên cạnh việc quán triệt tinh thần của Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phải chủ động rà soát, xây dựng Kế hoạch để thực hiện Nghị quyết 560, đưa vào Chương trình giám sát hàng năm để tập trung thực hiện tốt công tác giám sát và tổ chức thực thi pháp luật đối với những lĩnh vực được phân công phụ trách và những vấn đề được UBTVQH giao. Đồng thời nhấn mạnh đây là trách nhiệm thường xuyên và phải kịp thời, mang tính chủ động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Qua tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần mở rộng, gắn chặt giám sát văn bản quy phạm pháp luật với giám sát việc thực hiện chính sách. Qua đó, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Quốc hội, của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội trong việc đánh giá tính chất khả thi các luật, pháp lệnh, Nghị quyết đã được ban hành.
“Qua giám sát những văn bản hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện, chúng ta cần chủ động phát hiện những bất cập, chống chéo trong hệ thống pháp luật, từ đó có hướng để sửa đổi kịp thời. Do đó, kết quả giám sát không chỉ nhằm phát hiện những nội dung trái Hiến pháp, luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH mà còn phải phát hiện những quy định của pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn để có điều chỉnh, sửa đổi kịp thời. Qua đó khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa chức năng giám sát và chức năng lập pháp, kể cả chức năng quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia”, Chủ tịch Quốc hội phân tích thêm.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phối hợp nhiều phương thức giám sát, phối hợp liên ngành, và xây dựng cơ sở, dữ liệu kết nối các cơ quan, tổ chức hữu quan, cần theo dõi quá trình tổ chức thực thị.
Tăng cường tính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả của các kết luận kiến nghị sau giám sát
Về quá trình tổ chức, thực hiện giám sát, Chủ tịch Quốc hội cần lưu ý kết quả giám sát phải có các địa chỉ cụ thể, thực thi về Nghị quyết giám sát như thế nào, định kỳ kiểm tra các kết luận giám sát để tạo ra chuyển biến. Đồng thời kiến nghị khi phát hiện ra sai sót, vi phạm thì cần có giải pháp khắc phục. “Ví dụ như chậm thì cần đẩy nhanh, chưa ban hành thì phải ban hành, trái nội dung, trái thẩm quyền thì hủy bỏ, không phù hợp thì phải sửa đổi, bổ sung”, Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh kiến nghị việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là những người đứng đầu, những người liên quan trực tiếp với văn bản để tạo chuyển biến thực sự, giảm thiểu, hạn chế, khắc phục căn cơ cho vấn đề này. Đồng thời bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực trong quá trình tổ chức, thực thi pháp luật, từng bộ, từng ngành phải chủ động rà soát.
Hàng năm Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có chương trình, kế hoạch giám sát về vấn đề này và có báo cáo kết quả giám sát. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội rà soát báo cáo để hàng năm thực hiện vấn đề này, nghiên cứu cơ chế hàng quý UBTVQH nghe tiến độ, tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật để ngày càng chuyên nghiệp hơn, hiệu lực, hiệu quả cao hơn.
Liên quan đến chế độ báo cáo của UBTVQH cho Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mọi kết quả giám sát thì định kỳ phải báo cáo với Quốc hội và có nội dung cần thiết thì đưa ra Quốc hội thảo luận. Đồng thời cần tăng cường tính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả của các kết luận kiến nghị sau giám sát, việc thực hiện kết luận kiến nghị cần tiếp tục quan tâm hơn, thực hiện quy củ, bài bản và hiệu quả hơn.
Chuẩn bị giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 từ bây giờ
Với nội dung, quy trình, thủ tục đã được quy định rõ trong Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương rà soát và hoàn thiện việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 để kịp thời tổng hợp kết quả giám sát báo cáo với UBTVQH tại phiên họp của tháng 4 và báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 theo quy định của Nghị quyết. Qua đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, xem xét việc báo cáo UBTVQH định kỳ hàng quý.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ngay từ bây giờ cần chuẩn bị thực hiện tốt việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 từ những ngày đầu năm. Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội cụ thể hóa thành kế hoạch hàng tháng, hàng quý để có cơ sở tổng hợp kết quả giám sát cả năm 2023, báo cáo UBTVQH và Quốc hội.
Trên tinh thần đổi mới công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Hội nghị này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy, tạo động lực giúp cho Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội và cả UBTVQH hoàn thành tốt chức năng giám sát nói chung và giám sát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng, góp phần vào thành tựu chung trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Từ đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hoạt động của Quốc hội, nâng cao trách nhiệm, vai trò của Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân và cũng là nền tảng, yêu cầu bắt buộc để hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.