Vĩnh Phúc: Mục tiêu phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 14:54, 20/12/2022

Chân – Thiện – Mỹ là mục tiêu văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc hướng tới phải ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc. Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, xây dựng con người Vĩnh Phúc có những phẩm chất tốt đẹp thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, đồng thời phát huy các đặc điểm nổi trội: Tiên phong, sáng tạo, khát vọng, đổi mới.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trọng tâm là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, các cấp ủy Đảng trong toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu cao vai trò, trách nhiệm trong xây dựng và phát triển văn hoá, con người 

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả bước đầu. Hoạt động thư viện, văn hóa đọc trong cộng đồng được mở rộng. Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật phát triển tích cực, phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao ở cơ sở ngày càng phát triển.

2.jpg
Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách quan tâm tới việc khôi phục, bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây dựng, nâng cấp, gần 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, trên 90% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc khu thể thao đảm bảo tiêu chí theo quy định; số lượng người thường xuyên tham gia luyện tập thể dục-thể thao ngày càng cao, chất lượng dân số từng bước được cải thiện. Phong trào xây dựng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến được triển khai sâu rộng và hiệu quả.

Bên cạch đó còn tồn động những hạn chế về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc còn một số bất cập chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa chất lượng chưa cao; việc bình xét, công nhận gia đình văn hóa ở nhiều nơi còn hình thức. Vẫn còn khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn với đô thị và trong tầng lớp nhân dân.

Chất lượng các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ thông tin. Công tác bảo tồn, phát huy một số giá trị di sản văn hóa chưa tương xứng với giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất, con người Vĩnh Phúc. Thu hút đầu tư xã hội hóa các dự án vào lĩnh vực văn hóa còn hạn chế. Một số giá trị văn hóa truyền thống đang bị mai một. Sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ còn hạn chế...

3.jpeg
Ông Đỗ Hữu Vinh, Phó Giám đốc sở TTTT tỉnh Vĩnh Phúc

Từ đó tỉnh vĩnh phúc đã xác định đúng trọng tâm, trọng điểm đầu tư phát triển văn hóa phù hợp, bảo đảm sự cân đối, hài hòa, tính hiệu quả của đầu tư, phù hợp với điều kiện lịch sử và thực tiễn của tỉnh. Tỉnh Vĩnh Phúc xác định xây dựng và phát triển văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, lấy nhân dân là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, lấy đội ngũ trí thức giữ vai trò trọng tâm, vì vậy, Nghị quyết 15 đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể như từ năm 2025-2030: Tỷ lệ gia đình, thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa trên 92-95%; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trên 93- 95%; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị trên 50-55%.

Đến năm 2025: 100% các khu dân cư có và thực hiện tốt hương ước, quy ước nếp sống văn minh phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tuân thủ quy định của pháp luật. 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng và thực hiện tốt quy định văn hóa công sở; 80-90% thư viện công lập trên địa bàn tỉnh hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông với hệ thống thư viện trên toàn quốc; 100% thanh, thiếu nhi trong các trường học phổ thông được giáo dục về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống Vĩnh Phúc, giáo dục thể chất, kỹ năng sống, giao tiếp ứng xử; số người tập luyện thể thao thường xuyên đạt trên 57% và số gia đình tập luyện thể thao đạt trên 50%.

4.jpg

Đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến cổ động các hoạt động văn hóa; xem phim cùng nhân dân; thăm quan không gian sách và trưng bày văn hóa, du lịch Vĩnh Phúc.

Đến năm 2030: Số người tập luyện thể thao thường xuyên đạt trên 60%, số gia đình tập luyện thể thao đạt trên 55%; tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận thông tin của các phương tiện thông tin và truyền thông đạt trên 96%; tỷ lệ người sử dụng internet đạt trên 60% dân số; 100% xã, phường, thị trấn có điểm cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông, internet và điểm đọc sách.

Theo đó, nghị quyết đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng con người Vĩnh Phúc phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; từng bước xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Vĩnh Phúc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; nâng cao tầm vóc, thể lực con người Vĩnh Phúc.

Xây dựng môi trường, nếp sống văn hóa, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc; kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình. Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị của tỉnh, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chú trọng yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; bảo tồn và phát huy tốt giá trị các di tích lịch sử, đa dạng hóa loại hình du lịch văn hóa gắn với giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Kế thừa và phát huy văn hóa địa phương đi đôi với xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, các hành vi trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Chủ động giao lưu, hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới; từng bước xây dựng ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường giao lưu, quảng bá văn hóa, con người Vĩnh Phúc đến các tỉnh, vùng miền trong nước, các quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ kết nghĩa, hợp tác trên các lĩnh vực với tỉnh. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho văn hóa, trong đó tập trung nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

5.jpg

Chú trọng xây dựng gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo để nhân rộng và tạo sức lan tỏa trong xã hội; tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Hà Lan