Hội thảo quốc tế “Khung quốc tế về Tòa án xuất sắc và bộ tiêu chí đánh giá liêm chính tư pháp”
Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 11:24, 20/12/2022
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình “Tăng cường mạng lưới cấp khu vực để học tập và chia sẻ kiến thức giữa các thẩm phán trong ASEAN”(gọi tắt là JIN ASEAN).
Tham dự hội thảo về phía TANDTC có ông Lê Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC, cán bộ quản lý chương trình UNDP Việt Nam. Về chuyên gia quốc tế có ông Laurence Glanfield, thành viên sáng lập Ban Điều hành của Ủy ban soạn thảo Khung Quốc tế về Tòa án xuất sắc.
Hội thảo quy tụ gần 80 Thẩm phán đến từ TANDTC, các Tòa án cấp cao và các tòa án cấp tỉnh tham dự. Lần đầu tiên Khung quốc tế về Tòa án xuất sắc và bộ tiêu chí đánh giá liêm chính tư pháp được hai chuyên gia quốc tế giới thiệu cho các Thẩm phán Việt Nam.
Tính minh bạch, liêm chính của Tòa án
Chương trình JIN ASEAN được thiết kế để tăng cường liêm chính tư pháp và thúc đẩy xây dựng Tòa án xuất sắc, đặc biệt tập trung vào tính minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình của Tòa án trong khu vực ASEAN. Chương trình được Cục Phòng chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ và được UNDP triển khai tại bốn quốc gia, bao gồm Indonesia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Khung quốc tế về Tòa án xuất sắc được công bố lần đầu vào năm 2008, phiên bản thứ hai được công bố năm 2013 và phiên bản thứ ba được công bố tháng 5/2020. Khung quốc tế được xây dựng trên một tập hợp các giá trị và áp dụng cách tiếp cận toàn diện đối với hiệu quả hoạt động của Tòa án thông qua bảy lĩnh vực của Tòa án xuất sắc. Các Tòa án có thể sử dụng Khung này để tự đánh giá, sau đó, xác định các lĩnh vực cần cải thiện cũng như xây dựng kế hoạch cải thiện cho Tòa án mình.
Mạng lưới liêm chính tư pháp ASEAN (JIN ASEAN) được thành lập vào năm 2018 là một mạng lưới các thẩm phán, kết nối với nhau trong toàn khu vực để chia sẻ kiến thức và cách tiếp cận nhằm bảo vệ và tăng cường liêm chính tư pháp. Các quốc gia thành viên hiện tại bao gồm Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Ông Nguyễn Biên Thùy, Thẩm phán TANDTC Việt Nam, chủ trì và phát biểu khai mạc hội nghị. Ông khẳng định: “Chất lượng xét xử của đội ngũ Thẩm phán đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm sự công bằng, liêm chính, minh bạch của hệ thống Tòa án”. Ông cho biết: “TANDTC Việt Nam đã tham gia Mạng lưới liêm chính tư pháp ASEAN vào năm 2019 và cử đoàn đại biểu tham dự Hội nghị JIN ASEAN lần thứ 2 tại Băng Cốc”.
Theo Thẩm phán Nguyễn Biên Thuỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói về “liêm chính của Tòa án” tại Thông điệp gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1948 là phải “tôn trọng và tận tụy phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với họ, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết chống tham ô, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, tùy tiện” và “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học hỏi nhân dân”.
Tư tưởng này đã được thể chế hóa trong nhiều chính sách, văn bản liên quan đến công tác cán bộ nói chung và công tác phòng chống tham nhũng nói riêng. Đối với đạo đức, phẩm chất của Thẩm phán, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phải “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” và “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Tư tưởng này đã được vận dụng xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống Tòa án Việt Nam và là chủ đạo trong Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán Việt Nam.
Thẩm phán Nguyễn Biên Thuỳ nhấn mạnh, hoạt động xét xử là hoạt động "với con người" và "vì con người", do đó đòi hỏi Thẩm phán phải hành xử một cách đúng mực, đúng pháp luật, tôn trọng con người. Phán quyết của Tòa án nhân danh quyền lực nhà nước, vừa tạo ra chuẩn mực pháp lý, vừa tạo ra chuẩn mực đạo đức cho xã hội. Thẩm phán phải xem xét, đánh giá sự việc một cách cẩn trọng, đặt ra trong từng hoàn cảnh cụ thể trên nền tảng đạo đức xã hội để ra bản án thấu tình, đạt lý, nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn. Chất lượng xét xử của đội ngũ Thẩm phán đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm sự công bằng, liêm chính, minh bạch của hệ thống Tòa án.
Bộ tiêu chí cung cấp cách tiếp cận chuyên sâu
Bộ tiêu chí đánh giá liêm chính tư pháp được UNDP xây dựng năm 2018, cung cấp cách tiếp cận chuyên sâu và tập trung hơn, giúp Tòa án dễ dàng xác định các biện pháp cải thiện tính liêm chính của Tòa án. Việc thực hiện các biện pháp cải thiện này sẽ dẫn đến tăng niềm tin và sự tin tưởng của công chúng vào Tòa án.
Bà Đỗ Thúy Vân, cán bộ quản lý Chương trình UNDP Việt Nam cho biết, trong những năm qua, UNDP vinh dự được đồng hành cùng TANDTC và các đối tác khác hỗ trợ công tác cải cách tư pháp tại Việt Nam.
UNDP đã thực hiện một số dự án tập trung vào vấn đề này. Dự án FairBiz đang thực hiện nhằm nâng cao kỹ năng cho các Thẩm phán trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, EU JULE đang thực hiện nhằm nâng cao kiến thức của các Thẩm phán về quy tắc ứng xử, Fair Trial đang thực hiện nhằm thúc đẩy quyền được xét xử công bằng trong các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng tại Việt Nam. Hội thảo này là một khởi đầu quan trọng của một sáng kiến quan trọng khác của sự phối hợp giữa UNDP và TANDTC nhằm hướng tới hoàn thiện hệ thống Tòa án xuất sắc tại Việt Nam.
Nhiều Tòa án trên toàn thế giới đã sử dụng Khung quốc tế về sự xuất sắc của Tòa án (IFCE) như một hệ thống quản lý chất lượng để cải thiện hoạt động của Tòa án. IFCE đã được chứng minh là một phương pháp hữu ích để tiến hành đánh giá hoạt động chung của Tòa án và xác định các lĩnh vực cần cải thiện.
Khung này là một quá trình cải tiến liên tục được công nhận và sử dụng rộng rãi, kết hợp các cân nhắc về tính liêm chính thông qua việc sử dụng các giá trị của Tòa án và bảy lĩnh vực xuất sắc của Tòa án. Tuy nhiên, có những Tòa án muốn đặc biệt chủ động trong các vấn đề về liêm chính và phòng chống tham nhũng và để đáp ứng nhu cầu này của Bộ tiêu chí liêm chính này đã được phát triển.
Bộ tiêu chí liêm chính này sẽ cung cấp cho các Thẩm phán của Tòa án quy trình xác định các lĩnh vực trong thủ tục và chức năng của Tòa án có thể được xem xét để tăng cường tính liêm chính của Tòa án và loại bỏ những ảnh hưởng tham nhũng hoặc không đáng có đối với Tòa án. Bộ tiêu chí liêm chính được thiết kế để bổ sung cho phiên bản Danh mục của Khung quốc tế về sự xuất sắc của Tòa án bao gồm việc thông qua một phương pháp tính điểm nhất quán.