Qatar - Nhà vô địch thực sự của World Cup 2022

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 12:55, 19/12/2022

Hành trình World Cup 2022 đã chính thức khép lại và Qatar cũng đã ghi tên mình vào lịch sử là đội chủ nhà bị loại ngay từ vòng bảng. Tuy thất bại về mặt "chuyên môn" sân cỏ nhưng họ “vô địch” ở những mục tiêu nhắm đến tại World Cup. Việc đăng cai thành công World Cup 2022 không chỉ giúp Qatar phát triển đất nước mà còn làm tăng vị thế chính trị và thể thao của nước này trong khu vực cũng như trên toàn cầu.

Từ trước khi World Cup 2022 diễn ra, đã rất nhiều lùm xùm xung quanh quanh việc Qatar sẽ là chủ nhà của giải bóng đá lớn nhất hành tinh này.

Tuy nhiên, bỏ qua tất cả quốc gia Hồi giáo này đã chứng minh cho cả thế giới những điều họ làm được và đã thành công trong việc tổ chức một kỳ World Cup hay nhất lịch sử.

2022_11_23t000000z_1757338012_up1eibn0mox0i_rtrmadp_3_soccer_worldcup_qatar_1_.jpg
World Cup 2022 không chỉ giúp Qatar phát triển đất nước mà còn làm tăng vị thế chính trị.

World Cup không chỉ thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, mà còn đem đến cho nước này ảnh hưởng cả về địa chính trị lẫn thể thao.

Theo ông David Mednicoff - Trưởng khoa Nghiên cứu Do Thái và Cận Đông, Phó Giáo sư Nghiên cứu Trung Đông và Chính sách Công tại Đại học UMass Amherst (Mỹ), việc trở thành quốc gia Arab, Trung Đông và theo đạo Hồi đầu tiên đăng cai World Cup là thành tựu quan trọng với Qatar.

“Qatar đã đánh cược việc thu hút người hâm mộ bóng đá từ khắp nơi trên thế giới cũng sẽ kéo theo sự chú ý đến những thành tựu phát triển đa dạng trong 20 năm qua, đồng thời giúp mọi người tiếp cận với nền văn hóa Trung Đông”, ông Mednicoff cho biết.

Ông Simon Chadwick, giáo sư về thể thao và kinh tế địa chính trị tại Trường Kinh doanh Skema (Pháp), cũng cho biết: “Trên bình diện quốc tế, World Cup đã giúp Qatar củng cố vị thế trung tâm hoạt động xã hội, chính trị và kinh tế quan trọng. Khi các trận đấu diễn ra trong nước, thỏa thuận khí đốt (với Đức) và thỏa thuận vũ khí (với Mỹ) cũng được công bố”

Hơn nữa World Cup 2022 đã giúp Qatar thoát vòng phong tỏa của các láng giềng Arab và tăng vị thế chính trị trong khu vực.

Vào đêm khai mạc World Cup 2022 tại sân vận động Al Bayt của thành phố Al Khor, vùng duyên hải phía đông bắc Qatar, Tiểu vương Tamim bin Hamad Al Thani có mặt trên khán đài để chứng kiến thành quả hơn một thập kỷ cùng hơn 220 tỷ USD xây dựng.

Ngồi cạnh ông là Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi, lãnh đạo của hai quốc gia Arab láng giềng mà vài năm trước còn dẫn dắt nỗ lực phong tỏa, cô lập Qatar vì cạnh tranh vị thế địa chính trị tại khu vực.

thuc2.jpg
World Cup 2022 giúp Qatar thoát vòng phong tỏa của các láng giềng Arab và tăng vị thế chính trị trong khu vực.

Căng thẳng giữa các bên leo thang vào năm 2017, khi Ai Cập cùng Arab Saudi cáo buộc Qatar hỗ trợ một số nhóm Hồi giáo cực đoan và có quan hệ thân thiết với Iran. Sau ba năm tìm cách chặn mọi tuyến giao thông đường hàng không, hàng thủy và đường bộ với Qatar, "Bộ tứ Chống khủng bố" Ai Cập, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Arab Saudi vào tháng 1/2021 đồng ý gỡ phong tỏa cho quốc gia này.

Sự xuất hiện của Thái tử Arab Saudi và Tổng thống Ai Cập, hai nước được ví như "anh lớn" trong khu vực, phần nào cho thấy Qatar đã tiến xa trong nỗ lực cải thiện vị thế chính trị của mình.

Giới quan sát cho rằng để tổ chức thành công sự kiện bóng đá lớn nhất thế giới, Doha đã nhận được sự hỗ trợ không nhỏ từ Ankara. Ngoài Iran, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước lớn trong khu vực duy trì hỗ trợ Qatar vượt qua ba năm khủng hoảng ngoại giao, giúp quốc gia Vùng Vịnh duy trì liên kết giao thương với thế giới và nguồn cung hàng hóa thiết yếu.

thuc.jpg
Thể thao của nước này đã được thể hiện trong khu vực cũng như trên toàn cầu.

Đại diện cho UAE là Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng Mohammed bin Rashid Al Maktoum, người đứng đầu tiểu vương quốc Dubai vốn có quan hệ thương mại và đầu tư mật thiết với Qatar.

Giới phân tích cho rằng việc Tổng thống UAE, Tiểu vương Abu Dhabi Mohammed bin Zayed Al Nahyan cùng nhà vua Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa vắng mặt ở Al Bayt cho thấy, cục diện địa chính trị Vùng Vịnh vẫn còn sóng ngầm căng thẳng.

Những hoàng tộc Hồi giáo ở khu vực chưa dứt hoài nghi với lập trường của Qatar về vai trò của Iran hay làn sóng cải cách khởi phát từ phong trào Mùa xuân Arab năm 2011, được xem là gốc rễ bất đồng giữa Qatar và phần còn lại của khu vực.

thuc3.jpg
Chính Qatar đã “vô địch” kỳ World Cup 2022.

Minh Anh