Các chủ trương, đường lối của Đảng là cơ sở quan trọng để hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển văn hóa
Chính trị - Ngày đăng : 22:57, 17/12/2022
Nhiều bài tham luận, chia sẻ trong đó nhấn mạnh phát triển văn hóa, con người Việt Nam phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, nên trao quyền cho người dân trong sứ mạng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa và lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Phát triển văn hóa, con người Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị
Trình bày tham luận tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, Đảng ta nhận thức ngày càng sâu sắc mối quan hệ khăng khít giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người, và xác định phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người để thúc đẩy phát triển văn hóa.
Con người là chủ thể sáng tạo, truyền bá, thụ hưởng văn hóa, là trung tâm của chiến lược phát triển. Xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa; mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng tới xây dựng, phát triển con người.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, con người đối với phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới. Việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được trình bày trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng, tạo nền tảng, động lực thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, sau hơn 35 năm Đổi mới, các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được cụ thể hóa trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước, được ghi rõ trong Hiến pháp. Việc triển khai thực hiện trong thực tiễn cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng và còn những tồn tại, hạn chế.
Trưởng Ban Tuyên giáo Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đồng thời, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các chương trình hành động nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trên lĩnh vực văn hóa-văn nghệ đã ban hành.
Cùng với đó, xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh nghiên cứu, xác định, tuyên truyền và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh cải cách và hoàn thiện thể chế văn hóa cần được phát huy đồng bộ thông qua nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước song hành cùng trao quyền tự chủ nhiều hơn đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động văn hóa.
Ngoài ra, cần phát huy toàn diện và đầy đủ các nguồn lực văn hóa bao gồm nguồn nhân lực con người và nguồn lực tài chính, nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn từ quá trình xã hội hóa, sự đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển văn hóa.
Tích cực lan tỏa giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam
Trong bài tham luận đánh giá tình hình triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hoá từ năm 2016 đến nay, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa, con người, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng đất nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, ngoại giao văn hóa đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam giúp thực hiện hai mục tiêu là phục vụ đường lối đối ngoại và phát triển văn hóa. Đại hội XIII đặt nhiệm vụ “mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”.
Kết quả việc thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hoá đến năm 2020 đã góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế, tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của người Việt Nam và nâng tầm giá trị văn hóa Việt; tham gia thu hút đầu tư, du lịch, đóng góp vào phát triển bền vững kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước; đồng thời góp phần tăng cường sức mạnh mềm quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho rằng, thời gian tới, tất cả các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài… tiếp tục phối hợp triển khai mạnh mẽ và hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược Ngoại giao văn hoá đến năm 2030, trên một số trọng tâm chính.
Cụ thể, đó là việc thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ trên mọi mặt giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức khu vực và quốc tế. Thời gian qua, ta đã chú trọng đưa nét đặc trưng, tinh tế, đặc sắc của văn hóa Việt Nam vào chương trình tổ chức các sự kiện, hội nghị quốc tế lớn ở Việt Nam như APEC 2017, ASEAN 2020... cũng như đã tổ chức được nhiều hoạt động Tuần/Ngày Việt Nam tại trên 15 nước là những nước có quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, láng giềng hữu nghị truyền thống với Việt Nam.
Theo ông Hà Kim Ngọc, Ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối giúp tham mưu, đôn đốc, đồng hành với các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp hội nhập quốc tế, tiếp cận nhanh với tri thức mới của nhân loại, tranh thủ tối đa các nguồn lực để phục vụ phát triển bền vững đất nước, đặc biệt là trên các lĩnh vực ưu tiên như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, công nghệ thông tin, bên cạnh lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh đến công tác tiếp tục quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh…
Theo Thứ trưởng, lời giải cho bài toán tìm nguồn lực cho phát triển ngoại giao văn hóa chính ở phương châm “lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm” – họ vừa là chủ thể thụ hưởng vừa là đối tác.
Trong bài tham luận, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cũng đã đề xuất thời gian tới việc cần hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế phối hợp về Ngoại giao văn hoá một cách hệ thống, đồng bộ, liên thông, huy động sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân, theo hướng Chính phủ đóng vai trò chủ chốt triển khai các hoạt động Ngoại giao văn hoá cấp nhà nước, khu vực và quốc tế. Các bộ, ban, ngành, địa phương chủ trì tổ chức các hoạt động Ngoại giao văn hoá trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ của mình. Các tập đoàn, doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc đầu tư vào công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.
Người dân, nhất là đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cần được khuyến khích tham gia đóng góp lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam…
Cần trao quyền cho người dân trong sứ mạng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa
Chia sẻ về giá trị của văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu rõ, qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đánh giá đã đạt được thành tựu “to lớn, toàn diện và có tính lịch sử”.
Tuy nhiên, bên cạnh những xã nông thôn mới tạo dựng được “cốt” mới, nhưng vẫn giữ được “hồn” cũ thì nhiều nơi dù hiện đại hơn nhưng lại trở nên “thô ráp”, “vô hồn” vì những khối bê tông “đồng phục hóa”. Nhiều công trình hoành tráng lạc lõng với khung cảnh làng quê; những hàng cây xanh, lũy tre làng bị thay thế một cách khiên cưỡng, làm mất đi hình ảnh nông thôn sinh thái.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nông thôn không chỉ là nơi diễn ra hoạt động kinh tế mà còn là không gian văn hóa, bao gồm vật thể và phi vật thể, đồng thời cũng là tài nguyên phát triển. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị nông thôn giúp người làng quê trân quý những giá trị truyền thống và để nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ phát triển, du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Theo Bộ trưởng, xây dựng nông thôn mới không chỉ là đầu tư hạ tầng, mà là vun đắp tinh thần con người. Mọi cư dân nông thôn cần được giới thiệu, tìm hiểu cái hay, cái đẹp của văn hoá địa phương, cảm nhận, tự hào về ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn của các phong tục, lễ hội truyền thống...
Để các danh hiệu văn hóa đi vào thực chất, biến thành nguồn lực, nguồn vốn phục vụ phát triển, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần có Chương trình Mục tiêu Quốc gia về “gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; cụ thể hoá Luật Di sản Văn hóa, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021; và huy động sức mạnh, nguồn lực xã hội cùng tham gia hành động vì một Việt Nam hùng cường, giàu bản sắc.
Bên cạnh đó, cần có những giáo trình giảng dạy văn hoá nông thôn trong các đoàn thể, tổ chức xã hội, chú trọng nhóm đối tượng là học sinh từ những bậc học đầu tiên, bởi đây là thế hệ tiếp nối, giữ gìn cho dòng chảy liên tục văn hoá dân tộc. Ngoài ra, cần có những tiêu chí về văn hóa nông thôn thực chất có thể đo lường được, tránh bệnh thành tích trong bình xét các danh hiệu văn hóa; và trao quyền cho người dân trong sứ mạng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa.
Ngăn chặn "rác" độc trên mạng
Nói về văn hóa trên môi trường mạng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ câu chuyện khiến toàn xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh rất lo lắng, bất an thời gian gần đây đó là câu chuyện tràn lan rác độc trên mạng xã hội.
Ông Lâm cho biết tin vui về việc ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian qua đã đạt được một số thành tích. Việc xử lý các nền tảng xuyên biên giới không còn quá khó khăn nữa, bởi từ nhận thức, ý chí tới một số chính sách để xử lý việc này đã được hoàn thiện.
Nhưng ông mong rằng việc dọn rác trên mạng sẽ có sự chung tay của từng người dân tham gia cùng các cơ quan nhà nước. Bởi không thể cứ vứt rác ra đường rồi mắng mỏ người quét rác không dọn rác tốt.
Ông cũng cho biết sắp tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ động ngăn chặn rác độc từ gốc, chứ không phải như hiện nay để nó tràn lan trên mạng rồi đi dọn dẹp. Hiện nay, bộ chưa nắm được và chưa kiểm soát được thuật toán chia sẻ thông tin của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.
Ông Lâm nói Bộ Thông tin và Truyền thông có cơ sở để nghĩ rằng một số nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới khi vào Việt Nam điều chỉnh thuật toán theo hướng gợi ý nhiều những thứ nhảm nhí cho người dùng. Thế hệ trẻ, các cụ già chính là đối tượng bị phơi nhiễm những thông tin nhảm nhí.