Ukraine gia nhập EU: Kiev thông qua các luật cải cách theo khuyến nghị của EC
Chuyển động - Ngày đăng : 07:39, 15/12/2022
Theo Reuters, ông Stefanchuk nêu rõ Quốc hội đã hoàn thành một phần nhiệm vụ và thông qua tất cả những dự luật cần thiết theo những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
Tháng 6 vừa qua, EC đã cấp quy chế ứng cử viên gia nhập EU cho Ukraine. Điều kiện mà EU đưa ra với Ukraine là Kiev phải thực hiện các bước lập pháp và chính sách theo khuyến nghị.
Trong số các khuyến nghị đó có yêu cầu ban hành luật về quy trình chọn các thẩm phán Tòa án Hiến pháp, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, hợp lý hóa quy định về truyền thông theo những tiêu chuẩn của EU và bảo vệ các nhóm dân tộc thiểu số.
Quyết định của EU được đánh giá là động thái thể hiện sự ủng hộ dành cho Kiev trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (bắt đầu từ tháng 2/2022).
Mới đây, EC cho biết sẽ giám sát tiến triển của Ukraine trong việc thực hiện các bước khuyến nghị và đưa ra báo cáo về vấn đề vào cuối năm 2022. Trong chuyến thăm Kiev hồi tháng 9 vừa qua, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen bày tỏ ấn tượng trước tốc độ thực hiện nỗ lực của Ukraine nhằm gia nhập khối hiện gồm 27 nước thành viên.
Tuy nhiên, lộ trình để trở thành thành viên của EU dự kiến kéo dài, có thể mất đến 10 năm. Các lãnh đạo châu Âu cho rằng Ukraine và Moldova - quốc gia cũng được cấp quy chế ứng cử viên cùng ngày 23/6, sẽ cần thực hiện nhiều bước đi nữa trước khi chính thức gia nhập khối.
Thủ tục trở thành thành viên của EU bao gồm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, quốc gia muốn kết nạp được trao cho tư cách của ứng viên chính thức. Trong giai đoạn thứ hai, các cuộc đàm phán thành viên chính thức với ứng cử viên bắt đầu, bao gồm việc thông qua luật của EU thành luật quốc gia và thực hiện các cải cách tư pháp, hành chính, kinh tế và các cải cách khác, được gọi là tiêu chí gia nhập. Sau khi các cuộc đàm phán hoàn tất và ứng cử viên đã đáp ứng tất cả các tiêu chí gia nhập, họ có thể gia nhập EU.
Khi được EU trao cho quy chế ứng viên, Ukraine sẽ phải thực hiện nghiêm các yêu cầu của khối trong một quy trình kéo dài. Điều 49 trong Hiệp ước của EU quy định rằng bất kỳ quốc gia châu Âu nào muốn gia nhập khối phải cam kết tôn trọng và thúc đẩy các giá trị cơ bản của EU được quy định tại hiệp ước. Những giá trị này bao gồm tôn trọng tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp quyền… Sau khi nhận được đơn đăng ký, các thành viên EU sẽ đánh giá sự phù hợp của quốc gia trên cơ sở các điều khoản này.
Cuộc họp của Hội đồng châu Âu tại Copenhagen năm 1993 đã đề ra các tiêu chí cụ thể hơn, được gọi là Bộ tiêu chí Copenhagen. Các tiêu chí này bao gồm các điều kiện thiết yếu mà tất cả các quốc gia ứng cử viên phải đáp ứng. Trong số đó có một nền kinh tế thị trường đang vận hành, một nền dân chủ, pháp quyền ổn định và sự chấp nhận tất cả các luật lệ của EU, bao gồm cả luật của đồng Euro.