Các tình huống pháp lý trong vụ nữ nhân viên sân golf bị đánh
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:37, 13/12/2022
Như Báo Công lý đã thông tin, ngày 13/12, HĐND tỉnh Quảng Nam đã có thông tin chính thức liên quan đến một số dư luận về ông Nguyễn Viết Dũng, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X có hành vi hành hung nhân viên sân golf.
Cụ thể văn bản nêu: “Trong những ngày qua, báo chí và mạng xã hội thông tin về vụ việc ông Nguyễn Viết Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 có hành vi hành hung nhân viên sân Golf BRG Đà Nẵng.
Trên cơ sở nắm bắt thông tin từ báo chí và mạng xã hội, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam đã nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh vào cuộc làm rõ. Đồng thời, yêu cầu ông Nguyễn Viết Dũng báo cáo cụ thể, trung thực vụ việc.
Quan điểm của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam là trong trường hợp ông Nguyễn Viết Dũng hay bất cứ đại biểu HĐND tỉnh có khuyết điểm, vi phạm đều phải bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật".
Theo báo cáo sự việc từ Ban chấp hành CLB Golf Bách Khoa Đà Nẵng: Vào ngày 6/12, một nhóm 4 người trong đó có ông Nguyễn Viết Dũng chơi trên sân BRG Đà Nẵng. Trong quá trình chơi, do bất đồng với một nữ caddie tên L. khi tính số gậy đã chơi trong một hố, ông Dũng thành viên của nhóm đã dùng gậy driver đánh vào người nữ caddie L.
Hậu quả cây gậy driver bị gãy làm đôi, nữ caddie đã bị bất tỉnh ngay tại chỗ, được các nhân viên của sân golf đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng.
Được biết, liên quan đến vụ việc nữ nhân viên sân golf bị đánh, Công an phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) đã tiếp nhận và vào cuộc xác minh. Theo quy định của pháp luật, vụ việc sẽ được giải quyết theo trình tự ra sao?
Trao đổi với phóng viên, luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, hành vi dùng gậy driver đánh nữ nhân viên phục vụ sân golf đến mức phải nhập là hành vi rất đáng lên án, thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác.
Phân tích các tình huống pháp lý có thể xảy ra, luật sư Khuyên cho hay, trường hợp nữ nhân viên sân golf có đơn trình báo tố giác tội phạm, đề nghị xử lý người đàn ông này về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ hành vi của những người có liên quan, sẽ tiến hành trưng cầu giám định thương tích đối với nạn nhân để làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này, dù thương tích của nạn nhân dưới 11%, người hành hung vẫn có dấu hiệu của hành vi Cố ý gây thương tích bởi gậy chơi golf thường là những vật dụng cứng chắc, đây là hung khí nguy hiểm, hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm để gây thương tích cho người khác là hành vi tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Còn trường hợp nữ nhân viên bị đánh không có đơn tố cáo, luật sư Khuyên cho biết, theo quy định tại khoản 1, Điều 155 Bộ Luật tố tụng Hình sự chỉ khởi tố tội cố ý gây thương tích theo khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự nếu có đơn yêu cầu của bị hại.
“Nếu không có đơn yêu cầu của bị hại thì cơ quan điều tra sẽ không xem xét giải quyết. Tuy nhiên, trong trường hợp hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021 của Chính phủ, cụ thể tại điểm a, khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định về trật tự công cộng, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, người có hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định tại khoản 1, Điều 584 Bộ Luật Dân sự năm 2015”, luật sư Khuyên cho hay.
Còn tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, tính mạng, sức khỏe của công dân được pháp luật bảo hộ. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền được bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Chuyên gia luật cho biết, hành vi đánh người gây thương tích vì lý do nhỏ nhặt sẽ được xác định là hành vi có tính chất côn đồ. Với hành vi có tính chất côn đồ thì dù nạn nhân thương tích dưới 11%, cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án hình sự khi nạn nhân có đề nghị.
“Pháp luật quy định tội cố ý gây thương tích là tội danh khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại nếu thương tích ở mức độ ít nghiêm trọng xử lý theo khoản 1, Điều 134 BLHS. Còn trường hợp thương tích nghiêm trọng đến mức xử lý theo khoản 2 Điều 134 BLHS thì sẽ không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại, dù người bị hại không có yêu cầu hoặc có rút đơn yêu cầu thì cơ quan điều tra vẫn xử lý hình sự với người đã gây thương tích cho nạn nhân theo quy định pháp luật”, tiến sĩ, luật sư Cường bày tỏ quan điểm.