Pháp lệnh về thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa sẽ ban hành trong tháng 12/2022

Chính trị - Ngày đăng : 14:47, 13/12/2022

Sáng nay 13/12, UBTVQH cho ý kiến Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND (sửa đổi).

Phiên họp thứ 18, UBTVQH khai mạc sáng nay 13/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

z3955619071082_ded76e472edf2b4611ec33a515ab2a79.jpg

Pháp lệnh được sửa đổi toàn diện

Trình bày Tờ trình dự thảo Pháp lệnh, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết: Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp lệnh số 09) được ban hành 2014. Sau hơn 8 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, là công cụ hữu hiệu để Tòa án xem xét, quyết định đưa người vi phạm pháp luật chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc được kịp thời,…

Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Pháp lệnh số 09, vẫn còn một số hạn chế và bất cập cần phải sửa đổi, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

z3955334087243_d5fee35a86579bf8f737d8355dc95ee3(1).jpg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình dự thảo Pháp lệnh,

Do đó, mục tiêu của việc sửa đổi là tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong việc Tòa án nhân dân xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Pháp lệnh số 09, nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống vi phạm pháp luật, đồng thời bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người vi phạm, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp.

Sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, công bằng, đúng quy định của pháp luật để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội và bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của các em.

Theo đó, dự thảo Pháp lệnh sửa đổi  gồm 05 Chương, 44 điều. Về phạm vi sửa đổi, quá trình đóng góp ý kiến, đa số ý kiến tán thành với dự thảo Pháp lệnh và cho rằng cần sửa đổi toàn diện Pháp lệnh số 09 để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình triển khai, thi hành.

Dự thảo cũng quy định, trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Quy định chỉ định Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên; Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành; giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại…

Thẩm tra dự thảo Pháp lệnh, UBTP đánh giá, TANDTC đã nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến thẩm tra của UBTP, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội và các cơ quan liên quan. Để bảo đảm tiến độ và chất lượng của dự thảo Pháp lệnh trình UBTVQH xem xét, thông qua tại 01 phiên họp, Thường trực UBTP đã chủ động phối hợp với TANDTC ngay từ đầu quá trình nghiên cứu, soạn thảo.

UBTP cũng nhận định, Pháp lệnh 09 sau hơn 8 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp, cần được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Quá trình thẩm tra, đa số ý kiến đề nghị sửa đổi toàn diện Pháp lệnh 09 để khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thi hành với những lý do nêu tại Tờ trình của TANDTC. Tòa án nhân dân tối cao nhất trí với đa số ý kiến và đã thể hiện tại dự thảo Pháp lệnh.

UBTP cũng tán thành quan điểm của TANDTC về sửa đổi toàn diện Pháp lệnh 09 và các nội dung đã được sửa đổi về: Thẩm quyền Tòa án nhân dân cấp huyện; Quy định thẩm quyền của Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng; Về quy định có tính chất thân thiện khi xử lý vụ việc đối với người chưa thành niên (các điều 2, 10, 18, 21, 35);  Bổ sung thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh hủy quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ của Tòa án cấp huyện (khoản 7 Điều 36);..

z3955619142921_d3f1697107fb33f628e5894c02728f70.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Ban hành Pháp lệnh trong tháng 12/2022

Phát biểu thảo luận, đa số các ý kiến đồng tình với nội dung Tờ trình và dự thảo Pháp lệnh sửa đổi. Các ý kiến cho rằng, hầu hết các ý kiến đóng góp đều đã được tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh.

Chủ tịch Quốc Vương Đình Huệ cho rằng, TANDTC đã có sự chuẩn bị công phu dự thảo Pháp lệnh này, đủ điều kiện để UBTVQH thông qua tại 1 kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát lai một số lỗi kỹ thuật liên quan đến các quy định về chỉ định luật sư tham gia phiên tòa, trường hợp thay đổi Thư ký, hoãn phiên tòa và điều khoản chuyển tiếp liên quan đến Điều 43, 44 dự thảo Pháp lệnh.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hoàng Oanh cũng nhất trí cao với dự thảo Pháp lệnh và cho biết, Bộ Tư pháp cũng đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý và hầu hết đã được tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhóm vấn đề quy định về luật sư tham gia phiên tòa và vấn đề luật dẫn chiếu; đánh giá tác động của chính sách của từng nhóm giải pháp chưa đầy đủ. Do vậy đề nghị chỉnh lý thêm.

z3955334033914_dec1954b4f5d978a2163528c34d20280.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu  làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu nêu.

Phát biểu làm rõ thêm một số nội dung đại biểu nêu, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự thảo pháp lệnh đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao của đại đa số các đại biểu. Một số vấn đề quá trình sửa đổi còn có nhiều ý kiến khác nhau, đến thời điểm hiện nay đều đã nhận được sự đồng tình của các đại biểu và cơ quan thẩm tra.

Về một số lỗi kỹ thuật trong Tờ trình sẽ rà soát điều chỉnh; một số ý kiến đóng góp thêm đã được tiếp thu trong bản thảo cuối cùng của dự thảo Pháp lệnh, Chánh án cho biết.

Sau khi làm rõ thêm một số nội dụng cụ thể tại các điều khoản quy định về việc hoãn phiên tòa, việc thụ lý vụ án tại nơi cư trú hay nơi xảy ra vi phạm…Chánh án TANDTC cho hay, sẽ tiếp thu các ý kiến của UBTVQH để hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh, và với sự đồng thuận ý kiến của đại đa số các đại biểu trong phiên họp hôm nay, đề nghị UBTVQH thông qua dự thảo Pháp lệnh tại phiên họp này.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh đến các ý kiến đóng góp tại phiên họp, đồng thời đánh giá, dự thảo Pháp lệnh được chuẩn bị đầy đủ, nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu; đủ điều kiện để UBTVQH xem xét quyết định.

UTVQH đánh giá cao cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan cũng đã phối hợp chặt chẽ với TANDTC để trong quá trình nghiên cứu soạn thảo hồ sơ trình UBTVQH hôm nay.

UBTVQH đã phát biểu nhiều ý kiến đóng góp và giao lại UBTP phối hợp với TANDTC và các cơ quan liên quan tiếp thu nghiêm túc ý kiến của UBTVQH, trên nguyên tắc tất cả các ý kiển phải được tiếp thu và giải trình một cách có căn cứ pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ của pháp lệnh…

z3955720328186_3af75a74996aaa9c4a7c04f69164cb4f.jpg

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, UBTVQH xem xét việc biểu quyết thông qua dự thảo Pháp lệnh này, và biểu quyết nguyên tắc về việc tiếp thu, giao UBTP chủ trì phối hợp với TANDTC, và các cơ quan liên quan tiếp thu hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh; có báo cáo giải trình bằng văn bản và có văn bản kèm theo xin ý kiến UBTVQH để UBTVQH xem xét quyết định. Sau đó UBTVQH hoàn thiện dự thảo, lấy đủ các chữ ký các cơ quan liên quan, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Pháp lệnh trong tháng 12/2022.

Sau đó, 100% các Ủy viên UBTVQH biểu quyết đồng ý thông qua dự thảo Pháp lệnh như tình thần Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Mai Thoa