Hàng giả bán tràn lan trên các kênh thương mại điện tử
Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 20:45, 02/12/2022
Thông tin này được bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng TP HCM nêu tại tọa đàm về chống hàng lậu, hàng giả do Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 2/12.
Theo bà Thu, nếu trước đây hàng giả xuất hiện nhiều ở các cửa hàng truyền thống, nay chúng được bán tinh vi hơn trên các trang thương mại điện tử uy tín như Shopee, Lazada, Facebook... Đặc biệt, hầu hết sản phẩm hàng tiêu dùng hay đồ thời trang dù đăng tải hình ảnh là sản phẩm chính hãng nhưng khi giao tới tay người tiêu dùng, chúng không có tem, nhãn mác theo đúng quy chuẩn.
"Tôi từng đặt mua yến sào trên Shopee, sản phẩm được giới thiệu là hàng chính hãng, nhưng khi nhận không phải là tổ yến thật mà được làm giả từ chất liệu khác và nguồn gốc không đúng như giới thiệu", bà Thu nói. Theo bà, nhiều người tiêu dùng cũng đã phản ánh với Hội những trường hợp tương tự.
Nhóm hàng công nghệ, xe máy cũng bị làm giả và bán tràn lan. Bà Đại Khải Quỳnh – Trưởng ban Sở hữu trí tuệ của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) - cho hay trong 10 tháng đầu năm, VAMM đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng phát hiện 292 trường hợp bán hàng giả, trong đó dầu giả 2.000 chai, má phanh 950 cái, lọc gió 300 cái...
Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, những vụ việc trên chỉ là bề nổi của tảng băng vì hàng giả bán trên các trang thương mại điện tử với số lượng rất lớn nhưng chưa xử lý triệt để.
Cụ thể, khi tra cứu nhanh trên Marketplace (Facebook), VAMM thấy nhiều sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như Honda, Yamaha được đăng bán với nhiều mức giá. Các sản phẩm xe điện, xe máy 50cc rao bán tràn lan trên thị trường trong khi các thành viên của hiệp hội chưa sản xuất và nhập khẩu xe điện để bán tại thị trường Việt Nam.
"Khi phát hiện các gian hàng trên vi phạm giả mạo thương hiệu chính hãng nhưng khó xử lý. Vì các chủ hàng rất tinh vi trong việc hủy bỏ gian hàng cũ để tạo một gian mới chỉ trong ngày để tiếp tục kinh doanh trái phép", bà Quỳnh nói.
Ông Nguyễn Văn Ổn – Phó Cục trưởng điều tra chống buôn lậu cho rằng đây là thách thức không chỉ đối với ngành hải quan mà cả cơ quan quản lý thị trường. Theo ông, các trường hợp bán hàng online thường không ghi rõ địa chỉ cửa hàng, kho hàng. Do đó, khi thanh, kiểm tra, cơ quan điều tra rất khó có cơ sở để thu giữ hàng hóa.
Thống kê của ngành hải quan cho thấy, đến 15/10, toàn ngành bắt giữ 13.720 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa ước tính 4.790 tỷ đồng, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 265,8 tỷ đồng.
Để công tác chống hàng giả đạt hiệu quả hơn, ông Ổn cho rằng ngoài nhiệm vụ của nhà chức trách, mỗi doanh nghiệp cần lập ra tổ tình báo để theo dõi, phản ánh các cơ sở làm ăn trái phép với cơ quan điều tra. Về phía Chính phủ, cần có những biện pháp chế tài đủ để răn đe các cở sở buôn lậu sao cho phù hợp với thực tiễn.
Đồng quan điểm, theo bà Quỳnh, các sàn thương mại điện tử cần có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với các thương nhân có hành vi vi phạm. Ngược lại, các doanh nghiệp chính hãng cần cung cấp tài liệu, kết luận của cơ quan có thẩm quyền cho các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ họ giải quyết các vụ việc vi phạm...