Người phụ nữ phát bệnh dại sau 4 năm bị chó cắn
Sức khỏe - Ngày đăng : 21:12, 01/12/2022
Ngày 1/12, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Bắc Kạn cho biết, địa phương ghi nhận 1 trường hợp tử vong với kết quả dương tính virus gây bệnh dại.
Người phụ nữ này bị chó cắn cách đây 4 năm, không được tiêm phòng dại. Gần đây, bà bất ngờ xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường.
Ngày 12/11, bà bắt đầu có dấu hiệu mỏi 2 chân, đau từ đầu gối trở xuống. 4 ngày sau, bà nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) với lý do không ăn, không ngủ, giật tay chân, hoảng hốt. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy nhược thần kinh, theo dõi rối loạn tâm thần.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có biểu hiện tăng tiết đờm dãi, buồn nôn, nôn khan liên tục, rùng mình từng cơn, đồng tử 2 bên đều phản xạ ánh sáng bất thường...
Sáng 18/11, tình trạng người bệnh diễn biến xấu nên được chuyển đến bệnh viện tỉnh rồi chuyển lên bệnh viện trung ương để điều trị. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh không thuyên giảm, bệnh nhân đã tử vong sau đó.
Bác sĩ Mai Thị Thúy - Phó Giám đốc CDC Bắc Kạn cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm dương tính với virus dại, kết luận "bệnh nhân tử vong do bệnh dại". Tuy nhiên gần đây người này không tiếp xúc hay bị chó, mèo cắn. Khai thác tiền sử, người nhà cho biết bệnh nhân bị chó cắn cách đây khoảng 4 năm, không tiêm phòng dại.
Đặc thù của bệnh dại là thời gian ủ bệnh dài và phát hiện bệnh muộn. Thông thường thời gian ủ bệnh là 1-3 tháng sau khi bị chó, mèo cắn, nhiều trường hợp lên cơn dại chỉ sau một tuần hoặc có người đến vài năm. Khi vết chó cắn đã liền sẹo, nạn nhân quên mất từng bị chó cắn, như bệnh nhân này là 4 năm. Hồi tháng 10, cô gái 18 tuổi, ở Cao Bằng cũng tử vong do phát bệnh dại sau 2 năm bị chó cắn mà không tiêm phòng.
"Tùy thuộc vào sức đề kháng của bệnh nhân và tình trạng vết cắn, vị trí và số lượng virus xâm nhập, thời gian phát bệnh dại ở mỗi người sẽ khác nhau", bác sĩ Thúy nói.
Theo CDC Bắc Kạn, hàng năm trên địa bàn tỉnh đều có những trường hợp tử vong do bệnh dại. Các trường hợp này đều chủ quan không đi tiêm phòng, những người khi đã bị bệnh dại lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%.
Biện pháp duy nhất để giảm thiểu tử vong là khi nghi bị nhiễm virus dại cần phải điều trị dự phòng bao gồm: Rửa vết thương, tiêm phòng vaccine dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng có hiệu quả. Đối với vết thương sâu, nhiều vết thương cùng một lúc, những vết thương gần thần kinh trung ương như đầu, mặt cổ, đầu các ngọn chi, bộ phận sinh dục cần phải tiêm phối hợp cả vaccine và huyết thanh kháng virus dại.