Các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp

Chính trị - Ngày đăng : 09:43, 01/12/2022

Tại Hội thảo khoa học: “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp” diễn ra ngày 30/11 đã phân tích kỹ nội dung liên quan.

Hội do Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp và Bộ LLĐ-TB&XH phối hợp tổ chức.

z3922248938686_8275335756e158f635b6b990da3b70cc.jpg

Các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ, phân tích khái quát cơ sở lý luận và chính trị - pháp lý, làm rõ nội hàm về CTXH trong lĩnh vực Tư pháp; đánh giá thực trạng CTXH trong lĩnh vực Tư pháp thời gian qua; chia sẻ thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra hiện nay về CTXH trong lĩnh vực Tư pháp. Đồng thời, đề xuất giải pháp, kiến nghị, cơ chế hoàn thiện chính sách pháp luật CTXH trong lĩnh vực Tư pháp; các giải pháp truyền thông phổ biến, tuyên truyền pháp luật; nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong lĩnh vực này…

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, Việt Nam có dân số 100 triệu người, trong đó có 12% người cao tuổi; trên 7% là người khuyết tật; 8% dân số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; gần 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trên 230 nghìn người nghiện; hàng trăm nghìn đối tượng bị xâm hại, bạo lực, bạo hành và hàng triệu người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, có các vấn đề trong cuộc sống.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác chăm lo bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách pháp luật để chăm lo cho người dân, nhất là người dân gặp khó khăn. Chính phủ đã ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, dân tộc miền núi, nông thôn mới và nhiều chương trình chăm lo cho người thân của người dân yếu thế và những người có khó khăn…

Kết quả thực hiện trong hơn 10 năm qua cho thấy, bảo đảm an sinh xã hội của người dân và các chính sách xã hội đã góp phần bảo đảm về an ninh, an sinh xã hội và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan các quy định, tiêu chuẩn, chế độ, phụ cấp… cho những người làm công tác xã hội.

z3922248954250_414964be5c4a114cde9f78806c7829e6.jpg
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều các vấn đề liên quan đến phát triển CTXH còn một số bất cập. Đó là các nguồn lực cho công tác tuyên truyền lĩnh vực này hạn chế; các hoạt động truyền thông chưa được quan tâm đúng mức so với các loại hình truyền thông lĩnh vực khác làm cho một bộ phận xã hội nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về tầm quan trọng của CTXH. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về CTXH vẫn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ…

Do vậy, trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương cần tập trung tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho các đối tượng. Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát tối cao, Bộ Công an tập trung nghiên cứu, làm rõ về vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ trong từng ngành đối với vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị.

TS Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng: Hệ thống luật pháp và chính sách của Việt Nam đã có những quy định trong trợ giúp đối tượng là người vi phạm pháp luật và người là nạn nhân của xâm hại, bạo lực, bóc lột, mua bán tại các Luật, nghị định, đặc biệt đối tượng là người chưa thành niên.

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về CTXH tham gia trong hệ thống tư pháp một cách có hệ thống như: Chưa có quy định về vị trí, vai trò, chức năng, trách nhiệm và quyền hạn của người làm công tác xã hội dẫn đến những hạn chế trong phát triển dịch vụ chuyên nghiệp cũng như đảm bảo quá trình hỗ trợ đối tượng có nhu cầu. Các quy định về việc hỗ trợ, trợ giúp các đối tượng trong hệ thống tư pháp còn rải rác, manh mún ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến việc phát triển các quy định phát triển dịch vụ CTXH chuyên nghiệp trong lĩnh vực Tư pháp và cả các lĩnh vực khác.

z3922248930721_f64530ec948ea5e027332db986482ba8.jpg

Theo TS Lê Thị Vân Anh, hiện nay, đội ngũ người làm CTXH và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực Tư pháp còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Có một số ít các hoạt động hỗ trợ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là nạn nhân, nhân chứng được thực hiện dưới vai trò hỗ trợ của cán bộ bảo vệ trẻ em hoặc kiêm nhiệm. Bên cạnh đó năng lực chuyên môn cũng là thách thức do đội ngũ cán bộ này chưa được đào tạo bài bản và chuyên sâu về lĩnh vực CTXH trong tư pháp.

Với thực trạng pháp luật Việt Nam hiện nay đã đến lúc cần nghiên cứu để xây dựng một đạo luật riêng về CTXH (Luật Công tác xã hội), trong đó có các quy định về CTXH trong lĩnh vực tư pháp. Có thể tập trung vào một số vấn đề: Các dịch vụ CTXH trong lĩnh vực tư pháp; vai trò, vị trí, chức năng, trách nhiệm của nhân viên CTXH trong việc cung cấp các dịch vụ CTXH chuyên nghiệp trong hệ thống tư pháp; cơ chế tuyển dụng người làm CTXH trong lĩnh vực tư pháp;  quy trình, trình tự triển khai mô hình dịch vụ CTXH chuyên nghiệp trong quá trình can thiệp, hỗ trợ đối tượng là người vi phạm pháp luật, người là nạn nhân, nhân chứng như mô hình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; dịch vụ hỗ trợ, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng dành cho người vi phạm pháp luật….TS Lê Thị Vân Anh kiến nghị.

PGS.TS Nguyễn An Lịch, Viện trưởng Viện An sinh xã hội và Phát triển cộng đồng, Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam cũng cho hay, công tác xã hội là một khoa học, một nghề chuyên môn có tính chuyên nghiệp cao, đã ra đời và phát triển hàng trăm năm nay. Việt Nam cũng đã vận dụng và triển khai công tác xã hội trên nhiều lĩnh vực. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, pháp luật hỗ trợ cho sự phát triển công tác xã hội để góp phần giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh ngày càng phức tạp. Trước nhu cầu ngày càng cao đối với đất nước và hội nhập quốc tế, đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác xã hội lĩnh vực Tư pháp góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

z3922248981679_3b92b15ec06e88e44825417ac03cdd24.jpg
PGS.TS Nguyễn An Lịch, Viện trưởng Viện An sinh xã hội và Phát triển cộng đồng, Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đề ra chính sách và pháp luật phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Cùng với hệ thống chính sách xã hội liên tục được bổ sung hoàn chỉnh, Đảng, Nhà nước ta cũng đã ban hành hệ thống pháp luật khá phong phú, tạo cơ sở cho sự hoạt động và phát triển sâu rộng CTXH trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hệ thống, pháp luật Việt Nam bao gồm nhiều bộ luật dân sự, hình sự, pháp lệnh, nghị định, quyết định của cơ quan nhà nước, tạo điều kiện cho sự phát triển CTXH. Công ước về quyền trẻ em, sau này là Luật Trẻ em, rồi Luật Người cao tuổi, Luật Phòng chống bạo lực gia đình... rất phù hợp với nội dung hoạt động của CTXH.

PGS.TS Nguyễn An Lịch cho rằng, mọi chính sách, pháp luật về CTXH đều xuất phát từ mục đích vì con người. Để hoàn thiện chính sách, pháp luật CTXH trong lĩnh vực tư pháp cần quan tâm mô hình văn hóa Việt Nam, lưu ý các văn bản pháp luật đã ban hành có liên quan đến CTXH.

Bình Nguyên