Công diễn vở kịch "Sống mãi tuổi mười bảy" dịp Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII

Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 16:43, 29/11/2022

Vở kịch "Sống mãi tuổi mười bảy" tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của anh Lý Tự trọng đã để lại cho lớp lớp các thế hệ trẻ nhiều bài học quý báu: Về lòng yêu nước, hòa bình và tinh thần tự tôn dân tộc.

Ngay trước thềm Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027, Trung ương Đoàn sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng vở diễn "Sống mãi tuổi mười bảy" nhằm khẳng định tinh thần quật cường, những bài học quý báu về lòng yêu nước của anh hùng Lý Tự Trọng.

tuong-lam.jpg
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm trao đổi thông tin về vở kịch "Sống mãi tuổi mười bảy"

Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm cho biết, qua vở diễn "Sống mãi tuổi mười bảy", Ban tổ chức mong muốn góp phần giáo dục truyền thống đạo đức cách mạng, hun đúc lòng yêu nước, khát vọng cống hiến vì Đảng, vì đất nước, vì nhân dân cho thanh thiếu nhi thông qua nhân vật anh hùng Lý Tự Trọng.

Từ đó, mỗi đoàn viên, thanh thiếu nhi sẽ rút ra cho mình những bài học về lòng yêu nước, yêu nhân dân, yêu chuộng hòa bình và tinh thần tự tôn dân tộc; bài học về tấm gương ham học hỏi, ham hiểu biết để đóng góp được nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho dân tộc; bài học về lòng can đảm, gan dạ, anh dũng và ý chí sắt đá của một chiến sĩ cộng sản chân chính…

Theo ông Nguyễn Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, vở kịch "Sống mãi tuổi mười bảy" là tác phẩm sân khấu đầu tiên của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ. Ngay từ khi ra đời, vở kịch đón nhận được tình cảm đặc biệt và sự yêu mến của khán giả, nhất là khán giả trẻ. Vở kịch đoạt giải nhất Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980.

"Hiện tuổi trẻ có quá nhiều thứ để học, nhưng học để biết về lịch sử, quá khứ của dân tộc là sứ mệnh của tuổi trẻ, bởi có quá khứ mới có hiện tại, có hiện tại mới có tương lai", ông Tiến nói về lý do dựng lại vở kịch sau 42 năm ra mắt.

sy-tien.jpg
NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến. Ảnh: Xuân Tùng

Vở kịch không chỉ tái hiện lại chân dung của một người anh hùng mà tái hiện lại lịch sử dân tộc qua những câu chuyện kể gần gũi, chạm đến trái tim khán giả. 'Khi dàn dựng vở kịch, chúng tôi tái hiện lại lịch sử gần 100 năm trước khi mà đất nước đang chìm trong ách thống trị của thực dân Pháp, khi mà đời sống nhân dân ta một cổ hai tròng, vô cùng cơ cực lầm than. Lúc dàn dựng và nói chuyện với nghệ sĩ trẻ, chúng tôi đã vỡ ra nhiều điều, rằng nếu không có độc lập, tự do thì chúng ta sẽ sống thế nào…", ông Tiến chia sẻ.

Vở kịch sẽ được công diễn trong 2 ngày 13-14/12/2022 vào lúc 20h00 tại Nhà hát Tuổi trẻ (số 11 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), với sự tham dự của lãnh đạo bộ, ban, ngành trung ương cùng gần 1.000 đại biểu chính thức tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027.

Thảo Nguyên