EU xúc tiến gói trừng phạt thứ 9 nhằm vào Nga

Chuyển động - Ngày đăng : 23:40, 24/11/2022

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang xúc tiến gói trừng phạt thứ 9 nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine, Reuters đưa tin.

Tuyên bố trên được bà Ursula von der Leyen đưa ra trong khuôn khổ chuyến công du Phần Lan ngày 24/11.

Bà von der Leyen không nêu rõ nội dung gói trừng phạt thứ 9, song cho biết thêm EU cùng với Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và các đối tác lớn khác sẽ sớm thông qua mức giá trần toàn cầu đối với dầu mỏ Nga.

ursula-von-der-leyen.jpg
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen

Tháng trước, EU đã phê chuẩn lần cuối cùng gói trừng phạt thứ 8 đối với Nga, trong đó siết chặt các biện pháp hạn chế thương mại đối với thép và các sản phẩm công nghệ.

Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng An ninh năng lượng và Môi trường Italy Gilberto Pichetto Fratin ngày 24/11 cho biết 15 quốc gia thành viên EU kêu gọi giới hạn giá khí đốt, dẫn đầu là Italy, đã quyết định bác bỏ cơ chế giới hạn mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất.

Phát biểu sau cuộc họp của 15 nước thành viên EU, được tổ chức trước một hội nghị của Hội đồng các vấn đề năng lượng, Bộ trưởng Pichetto Fratin cho biết: "Chúng tôi nhất trí không ủng hộ đề xuất của EC. Ở giai đoạn này, quan điểm của chúng tôi là đánh giá cả đề xuất của EC về giới hạn giá và các điều khoản khác của thỏa thuận”.

Cùng ngày, Ủy viên châu Âu phụ trách Năng lượng Kadri Simson xác nhận các đại sứ của EU đã không nhất trí được về việc áp giá trần đối với dầu mỏ Nga, và các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn.

Trong phản ứng của mình, Điện Kremlin ngày 24/11 cho biết Nga không có kế hoạch cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho những nước ủng hộ áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga.

Phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi… sẽ không cung cấp dầu và khí cho các nước sẽ áp đặt giá trần. Nhưng chúng tôi cần phân tích mọi thứ trước khi đưa ra quyết định”.

Trước đó, vào ngày 23/11, EU đã đề xuất khoảng thời gian chuyển tiếp 45 ngày trước khi áp dụng giá trần đối với dầu mỏ nhập khẩu vận chuyển qua đường biển từ Nga ở mức từ 65 - 70 USD/thùng. Khoảng thời gian này sẽ áp dụng cho dầu được chất lên tàu trước ngày 5/12 (ngày các biện pháp trừng phạt dầu Nga bắt đầu có hiệu lực) và được dỡ hàng trước ngày 19/1/2023, phù hợp với một điều khoản mà Mỹ và Anh đã công bố trước đó.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ ngày 22/11 đã công bố các hướng dẫn chi tiết mới về kế hoạch áp giá trần đối với dầu mỏ Nga.

Văn bản này quy định khi nào áp giá trần, đồng thời nêu rõ giá trần có thể thay đổi tùy theo điều kiện thị trường. Theo đó, giá trần sẽ không áp dụng trong trường hợp hoạt động chế biến quan trọng được thực hiện bên ngoài Liên bang Nga, ví dụ "dầu thô được tinh chế hoặc trải qua một quá trình chuyển đổi quan trọng khác làm sản phẩm mất đi tính chất riêng và biến thành sản phẩm mới với tên gọi, đặc tính và công dụng mới".

Sputnik đưa tin theo bản hướng dẫn cập nhật, Bộ Tài chính Mỹ đã cho phép thực hiện các giao dịch liên quan việc nhập khẩu dầu mỏ Nga vào Bulgaria, Croatia, cũng như bất cứ quốc gia thành viên nào của EU không giáp biển, phù hợp với quy định của EU đưa ra hồi tháng 6 vừa qua, trong đó áp dụng một số miễn trừ đối với các nước nêu trên.

Ngoài ra, hướng dẫn nêu rõ Mỹ chỉ cho phép các hoạt động liên quan đến việc bốc dỡ dầu mỏ Nga trong các tình huống khẩn cấp như các tình huống đe dọa tính mạng của thủy thủ đoàn và môi trường.

Khoảng 70 - 85% khối lượng dầu mỏ xuất khẩu của Nga được vận chuyển bằng tàu chở dầu. Kế hoạch áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga là nhằm ngăn chặn các công ty vận tải, công ty bảo hiểm và công ty tái bảo hiểm vận chuyển dầu mỏ của Nga trên toàn cầu trừ khi mặt hàng này được bán với giá không cao hơn mức trần do G7 và các nước đồng minh đặt ra. Do các công ty vận tải và bảo hiểm hàng đầu thế giới đều có trụ sở ở các quốc gia thành viên G7, nên việc áp giá trần có thể khiến Nga khó có thể bán dầu mỏ với giá cao hơn.

Nhật Minh