Bộ GD&ĐT kiến nghị xem xét không tinh giản biên chế giáo viên mầm non

Giáo dục - Ngày đăng : 21:41, 22/11/2022

Bộ GD-ĐT đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp, trước mắt xem xét không tinh giản biên chế với cấp học mầm non; không tinh giản biên chế 10% “cào bằng” giữa các vùng, miền trong cả nước.

Ngày hôm nay (22/11), Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam.

Hiện nay, toàn quốc có 368.968 giáo viên mầm non, trong đó giáo viên công lập là 271.073, ngoài công lập là 97.895. Trong tổng số 271.073 giáo viên mầm non công lập có 256.020 giáo viên biên chế và 15.053 giáo viên hợp đồng.

tnb-31835.jpg
Trong tổng số 271.073 giáo viên mầm non công lập có 256.020 giáo viên biên chế và 15.053 giáo viên hợp đồng. (Ảnh minh hoạ)

Tỷ lệ giáo viên/lớp các trường công lập theo định mức biên chế là 2,2 giáo viên/lớp. Nhưng không đồng đều vì các vùng miền trên toàn quốc hiện nay chưa đảm bảo được. Tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân toàn quốc chỉ đạt 1,76.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: như vậy "so với định mức quy định, toàn quốc còn thiếu 44.068 giáo viên mầm non. Số lượng này là rất lớn so với các cấp học khác”.

Trong khi đó, thực tế đang cho thấy số lượng giáo viên xin nghỉ việc đang ngày càng nhiều. Đặc biệt là khối giáo viên mầm non. Năm 2022, khoảng 16.000 giáo viên bỏ việc, trong đó 40% là giáo viên mầm non. Đó là bài toán khó cần Bộ GD&ĐT nhanh chóng tìm hướng giải quyết.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ đang xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non mới và dự kiến sẽ triển khai thực hiện vào năm học 2024-2025.

Về chế độ chính sách với giáo viên mầm non, ông Minh cho hay Bộ GD-ĐT cũng nhận thấy các hạn chế như thu nhập thấp, áp lực công việc cao.

Định hướng thời gian tới sẽ bổ sung chính sách cho giáo viên mầm non, đặc biệt là tăng thu nhập, nâng cao năng lực nghề nghiệp và giảm giờ làm việc, hỗ trợ giáo dục mầm non vùng khó khăn.

Bộ GD-ĐT cũng đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng chính sách tiền lương mới. 

Cụ thể như: xếp lương bậc 2 cho giáo viên mới tuyển dụng vào ngành giáo dục; đối với giáo viên hợp đồng đảm bảo mức lương không thấp hơn mức lương trung bình của doanh nghiệp cùng khu vực; được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên như giáo viên trong biên chế; được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Bộ GD-ĐT cũng đề xuất Chính phủ phương án nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non (đang hưởng mức 35% và mức 50%) lên mức 70%; giáo viên mầm non đang công tác vùng đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%.

Theo đại diện Bộ GD-ĐT, với mức đề xuất này có hơn 200.000 giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh.

Bộ GD-ĐT cũng đồng thời kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp, trước mắt xem xét không tinh giản biên chế với cấp học mầm non; không tinh giản biên chế 10% “cào bằng” giữa các vùng, miền trong cả nước.

giao-vien-1503882396.jpg
Bộ GD-ĐT cũng đồng thời kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp, trước mắt xem xét không tinh giản biên chế với cấp học mầm non.

“Chúng tôi đề xuất có thể tính đến điều kiện vùng, miền trong việc thực hiện tinh giản biên chế. Đối với vùng thuận lợi, tỷ lệ tinh giản biên chế có thể nhiều hơn 10%, còn đối với vùng khó khăn, tỷ lệ tinh giản có thể dưới 10%”, ông Tuấn Anh nói.

Về tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019, bình quân toàn quốc hiện đạt 77,6%. “Như vậy, tỷ lệ giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 so với các cấp học khác là rất cao”, ông Tuấn Anh nói.

Vì vậy, Bộ GD-ĐT đang đề xuất với Chính phủ cho phép các địa phương được tuyển dụng hoặc hợp đồng những giáo viên chưa đạt chuẩn, trong thời gian đó tiếp tục đào tạo nâng chuẩn cho họ.

Minh Anh