Nhạc sĩ Trọng Bằng qua đời
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 21:04, 21/11/2022
Nhạc sĩ, NSND, Giáo sư Trọng Bằng sinh năm 1931 tại Cao Bằng, quê ở Gia Lâm, Hà Nội. Ông là nhạc trưởng đầu tiên điều khiển các buổi hòa nhạc giao hưởng nổi tiếng ở TP.HCM sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975).
Nhạc sĩ Trọng Bằng bắt đầu hoạt động âm nhạc từ những năm còn là học sinh các trường trung học thời kháng chiến ở Liên khu IV cũ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn khoa khoá I, ông được cử đi công tác văn nghệ mặt trận Trung Lào, sau đó ra Việt Bắc làm Đội trưởng Đội Ca nhạc Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam).
Ông là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp bằng đỏ tại Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô cũ, 1963). Về nước, ông làm giảng viên Trường Âm nhạc Việt Nam và là chỉ huy các dàn nhạc giao hưởng ở Hà Nội. Năm 1969, ông tiếp tục làm nghiên cứu sinh cũng tại Nhạc viện Tchaikovsky.
Từ 1972-1978, ông chính thức là chỉ huy dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, sau được cử làm Phó Giám đốc kiêm Chỉ đạo Nghệ thuật (1975).
Từ 1978-1984, ông là Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội kiêm Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng do chính ông được Bộ Văn hóa & Thông tin uỷ nhiệm thành lập.
Từ 1984-1996, ông là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, góp phần quan trọng trong việc đưa Nhạc viện trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn có uy tín ở trong nước và quốc tế.
Trong sự nghiệp âm nhạc, nhạc sĩ Trọng Bằng có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền âm nhạc bác học ở Việt Nam. Các tác phẩm khí nhạc của ông giữ vị trí đặc biệt trong nền khí nhạc của Việt Nam như: Vũ khúc viết cho cello và piano, overture Chào mừng, giao hưởng thơ Người về đem tới ngày vui viết cho dàn nhạc giao hưởng...
Trọng Bằng cũng từng chỉ huy các dàn nhạc giao hưởng Moscow và Tasken trong đợt Những ngày Văn hoá Việt Nam tại Liên Xô cũ năm 1985, dàn nhạc Electone ở Tokyo (Nhật Bản) mùa hè 1995...
Nhạc sĩ Trọng Bằng còn được biết đến với những sáng tác xoay quanh chủ đề về sản xuất và chiến đấu. Nhạc phẩm của ông mang đến không khí tươi sáng, đôi khi lại mang đến sự hài hước, hay là một bài hát trữ tình, và cũng có khi là một ca khúc mang giai điệu hùng mạnh.
Trong đó tuyển tập ca khúc Tình quê hương ra đời năm 1976 gồm nhiều bài hát đã in đậm dấu ấn những năm tháng hào hùng của đất nước như Tình quê hương, Tây Bắc sáng lại, Nhịp máy khoan, Những dũng sĩ Núi Thành, Bài hát bên cầu phao...
Nhạc sĩ Trọng Bằng còn là tác giả âm nhạc của nhiều vở sân khấu như: Làng đỏ, Bão biển, Khúc thứ ba bi tráng, Người cầm súng, Những người Nga, Người công dân số 1, Bay trước mùa xuân, Xóm vắng, Đêm cuối cùng ở Tây Ban Nha, Hẹn ngày trở lại... và của nhiều phim truyện như Cù Chính Lan, Biển lửa, Chùm hoa thiên lý, Ngày lễ Thánh, Bức tường không xây, Ngôi sao trên biển, Trừng phạt, Hoàng Hoa Thám... và nhiều phim tài liệu, thời sự...
Năm 2013, nhạc sĩ Trọng Bằng được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Năm 2017, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật cho các tác phẩm: Giao hưởng thơ: Người về đem tới niềm vui, hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng Trường ca Tây Bắc - Điện Biên Phủ, khởi nhạc Chào thiên niên kỷ mới...