Thanh Hóa điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, du khách

Đời sống - Ngày đăng : 21:08, 18/11/2022

Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thanh Hóa đã vươn lên trở thành tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất Vùng và nằm trong nhóm 10 tỉnh có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, du khách.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa có bài tham luận tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Bộ Chính trị “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách, Thanh Hóa đã nỗ lực đi lên, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2004-2021 đạt gần 10%/năm, cao hơn mục tiêu Nghị quyết số 39 và Kết luận số 25 của Bộ Chính trị đề ra; thu ngân sách nhà nước, giá trị xuất khẩu năm 2021 gấp 25 lần năm 2004; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 9% lên 36%; các hoạt động văn hóa - xã hội được chăm lo, đời sống Nhân dân được cải thiện; tốc độ giảm nghèo nhanh, từ 11,7% năm 2004 xuống còn 1,51% năm 2021 (theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025). Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, phối hợp, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước được đẩy mạnh.

a1thdd.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị

Trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Thanh Hóa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, kết nối Vùng với vùng đồng bằng Sông Hồng, và các tỉnh vùng Tây Bắc. Nhằm thúc đẩy liên kết vùng, tạo sức lan tỏa tăng trưởng kinh tế, Nghị quyết số 58 ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu xây dựng Thanh Hóa đến năm 2030 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Để sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển tại Nghị quyết số 58, góp phần cùng các tỉnh, thành phố trong vùng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội và khác biệt của mình, Thanh Hóa xác định:

Tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 11/2022. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển không gian đã được phê duyệt; ưu tiên các nguồn lực để phát triển 03 trụ cột tăng trưởng, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp; Dịch vụ du lịch; 04 vùng kinh tế động lực, là Khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng và Bỉm Sơn - Thạch Thành; 05 vùng liên huyện và 06 hành lang kinh tế nhằm tạo ra không gian, dư địa mới cho tỉnh phát triển, đồng thời tạo thuận lợi để mở rộng liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh nội vùng và liên vùng.

Xây dựng Thanh Hóa trở thành trung tâm lớn của vùng và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo; trọng tâm là đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn thành trung tâm năng lượng của cả nước với hạt nhân chính là các sản phẩm của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, các ngành công nghiệp năng lượng (gồm Nhiệt điện, điện gió và điện – khí LNG); thu hút đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, như: Điện tử viễn thông, công nghiệp dược phẩm, thiết bị y tế. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, như: Xi măng, thép; đẩy mạnh liên kết để nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tạo dựng thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Với vị trí chiến lược, có Cảng nước sâu Nghi Sơn được quy hoạch là cảng đặc biệt (IA), Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, Thanh Hóa đang tập trung thu hút đầu tư để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, trở thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của vùng và cả nước; trọng tâm là xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, cảng nước sâu Nghi Sơn có mạng lưới hạ tầng, dịch vụ vận tải biển và logistics đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực, có tính liên kết cao với các khu kinh tế, cảng biển khác trong vùng và cả nước; khai thác có hiệu quả Cảng hàng không Thọ Xuân gắn với KCN Lam Sơn - Sao Vàng, khuyến khích, tạo cơ chế hấp dẫn để các hãng hàng không nghiên cứu, mở các đường bay mới đến sân bay Thọ Xuân.

a2thdd.jpg
Phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với thị trường

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng Thanh Hóa thành trọng điểm du lịch của vùng và cả nước với 3 trụ cột chính là du lịch biển, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, trọng tâm là xây dựng đô thị biển Sầm Sơn trở thành khu du lịch bốn mùa, trọng điểm của cả nước. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng du lịch quan trọng gắn với khai thác hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch như biển, rừng, di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Đẩy mạnh kết nối các tour, tuyến với các tỉnh trong vùng, hình thành các cụm tương hỗ (Cluster) về du lịch giữa các tỉnh trong tiểu vùng Bắc Trung Bộ và toàn vùng, gắn với khai thác hiệu quả thế mạnh của từng địa phương cho phát triển du lịch.

Xét tình hình là địa phương có miền núi rộng, tỷ lệ lao động và dân số nông nghiệp, nông thôn còn lớn, Thanh Hóa tiếp tục coi trọng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới để tạo nền tảng giữ vững ổn định, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa đô thị và nông thôn. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với chế biến theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả, thu nhập cho người dân.

a3thdd.jpg
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trực tiếp kiểm tra, tháo gỡ vướng mắt tại các dự án trên địa bàn

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, các hành lang kinh tế, hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, khu du lịch trọng điểm của tỉnh; tiếp tục đầu tư các trục chính theo hướng Đông - Tây, Bắc - Nam kết nối liên hoàn với các tỉnh trong nội vùng, liên vùng và quốc tế. Quan tâm phát triển hạ tầng chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế hiện đại, hội nhập và phát triển.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống đô thị theo hướng xanh, thông minh, sinh thái, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, hướng tới nâng tầm chất lượng cuộc sống người dân. Tập trung rà soát, phủ kín các quy hoạch chi tiết, hoàn thiện các quy chế quản lý để nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch; thực hiện đồng bộ hóa giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông và các loại quy hoạch hạ tầng khác; xây dựng hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, hiện đại, thông minh, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh đầu tư các tuyến giao thông kết nối khu vực trung tâm với đô thị vệ tinh, kết nối các đô thị của tỉnh Thanh Hóa với các đô thị trong vùng.

Thiên Tân