Dự án Đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ: Cố gắng hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra
Chính trị - Ngày đăng : 11:09, 17/11/2022
Sáng ngày 17/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khởi công các gói thầu thuộc dự án Đường Vành đai phía tây thành phố Cần Thơ (kết nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C).
Dự án Đường Vành đai phía tây TP. Cần Thơ có tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 19,4 km, trong đó có 24 vị trí cầu trung và nhỏ, 1 vị trí cầu lớn (bao gồm 49 đơn nguyên cầu) và các cống thoát nước theo địa hình. Tổng mức đầu tư 3.837 tỷ đồng, trong đó 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Thời gian thực hiện 900 ngày, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Việc dự án Đường Vành đai phía tây TP. Cần Thơ được xây dựng sẽ hình thành trục vành đai ngoài rất quan trọng, kết nối các trục giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Quốc lộ 91, Quốc lộ 61C và Quốc lộ 1A với hệ thống giao thông đô thị của Thành phố, góp phần tạo nên hệ thống giao thông liên vùng, kết nối TP. Cần Thơ với các tỉnh lân cận; tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và khắc phục ùn tắc giao thông cho TP. Cần Thơ.
Phát biểu phát lệnh khởi công dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta đang xây dựng 3 trụ cột của chế độ Xã hội chủ nghĩa (XHCN): xây dựng nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Khi thị trường có biến động bất thường, chúng ta kịp thời can thiệp bằng các công cụ quản lý của Nhà nước một cách hợp lý, hiệu quả để nền kinh tế phát triển bình thường, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong mọi trường hợp, Thủ tướng nêu rõ. "Coi con người là chủ thể, là trung tâm; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần".
Thủ tướng cho biết, chúng ta đang tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược (về thể chế, nhân lực và hạ tầng). Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm thúc đẩy phát triển KTXH nhanh và bền vững đối với TP. Cần Thơ nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Theo Thủ tướng, nhiệm kỳ này đã huy động cho đầu tư cho giao thông, hạ tầng chiến lược trên cả nước khoảng 470.000 tỷ đồng, và tỉ trọng nguồn vốn dành cho Đồng bằng sông Cửu Long cũng cao nhất từ trước đến nay.
Nhấn mạnh ý nghĩa của dự án mở ra không gian phát triển mới cho Cần Thơ, Thủ tướng cho biết, dự án còn có ý nghĩa lớn về sự kết hợp giữa Trung ương và địa phương (nguồn vốn từ Trung ương là 2.000 tỷ đồng, địa phương là 1.800 tỷ đồng), về sự phân cấp phân quyền (phân cấp cho UBND TP. Cần Thơ là cơ quan chủ quản đầu tư, UBND Thành phố lại phân cho cho Sở Giao thông vận tải quản lý dự án).
Với ý nghĩa như vậy, "phải quyết tâm làm bằng được", Thủ tướng định hướng: Phải quyết tâm làm cho bằng được, bảo đảm chất lượng cao nhất có thể, đúng quy định nhưng cần rút ngắn thời gian triển khai dự án bằng thay đổi biện pháp thi công, cách làm, huy động tối đa khả năng nhà thầu.
Các nhà thầu, đơn vị tư vấn phải bảo đảm thi công đúng tiến độ, chất lượng, không kéo dài, phải chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, chống thông thầu. Phải cố gắng để dự án hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra!
"Đã cam kết là phải làm, đã làm phải có hiệu quả, phải đi vào cuộc sống, mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân".
Thủ tướng cũng bày tỏ cảm ơn và đề nghị quan tâm tới đời sống của 598 hộ dân đã nhường đất cho dự án, bảo đảm đời sống nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Thủ tướng mong muốn đây sẽ là dự án mẫu mực, tiêu biểu của sự hợp tác giữa Trung ương và địa phương, cả về nguồn vốn, lãnh đạo chỉ đạo, giám sát, kiểm tra; tạo hình mẫu cho các dự án tiếp theo.