Chủ tịch nước lên đường thăm chính thức Thái Lan và dự Hội nghị APEC
Chính trị - Ngày đăng : 07:09, 16/11/2022
Sáng nay (16/11), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Cấp cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29.
Chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha.
Tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân Trần Nguyệt Thu có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi; Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công.
Tham gia Đoàn còn có lãnh đạo một số bộ, ngành địa phương có các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm.
Chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan đang phát triển tốt đẹp.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Thái Lan kể từ sau Đại hội Đảng XIII và cũng là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước ta tới Thái Lan sau 24 năm.
Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn Cấp cao Việt Nam dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan thể hiện mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương; góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và liên kết kinh tế tại khu vực; quảng bá vị thế, hình ảnh đất nước ổn định, tăng trưởng kinh tế tích cực sau đại dịch và thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong nước
Nói về chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành cho biết, đây chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao nước ta đến Thái Lan sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Chuyến thăm là dấu mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng hữu nghị chung dòng sông Mê Công, cùng là thành viên ASEAN.
Trong 24 năm qua, nhất là sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam-Thái Lan đã được củng cố, phát triển nhanh chóng và thực sự đã thay đổi về chất, được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng, hợp tác kinh tế văn hóa, giáo dục khoa học kỹ thuật đến giao lưu nhân dân.
Trên đà những thành công đó, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lần này là sự khẳng định mạnh mẽ cam kết, quyết tâm của Việt Nam tiếp tục tăng cường và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan lên tầm cao mới, ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.
Đại sứ Phan Chí Thành cũng cho biết, Chủ tịch nước và Phu nhân ra sẽ có cuộc hội kiến với Nhà Vua Thái Lan và Hoàng hậu. Chủ tịch nước và lãnh đạo một số Bộ sẽ hội đàm với Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và các thành viên nội các Thái Lan, dự lễ ký kết một số văn kiện hợp tác trong đó có Bản Kế hoạch hành động triển khai Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2022-2027, gặp Chủ tịch Quốc hội Chuan Leekpai và các vị lãnh đạo Thượng viện, Hạ viện Thái Lan, dự cuộc gặp với các doanh nghiệp tiêu biểu hai nước Việt Nam và Thái Lan, dự lễ khai trương Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan và các hoạt động khác.
Đặc biệt, hai bên sẽ ra Tuyên bố chung khẳng định ý nghĩa của chuyến thăm, trong đó nhấn mạnh các biện pháp mới nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị và làm sâu sắc hơn hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực trong bối cảnh quốc tế hiện nay; tiếp tục phối hợp lập trường về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất là việc phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.
Cũng theo Đại sứ Phan Chí Thành Hoàng Gia và Chính phủ Thái Lan chuẩn bị cho chuyến thăm hết sức chu đáo và trọng thị. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo đầu tiên trong số lãnh đạo các nước thăm chính thức Thái Lan nhân dịp Hội nghị APEC lần này. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và phu nhân sẽ ra tận sân bay đón Chủ tịch nước. Ngay sau chuyến thăm, Chủ tịch nước và đoàn cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Tuần lễ các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC làn thứ 29 tại Bangkok. Chương trình Hội nghị rất dày đặc với nhiều cuộc họp, các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước tham dự.
Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ tạo ra một sinh khí mới, thực sự là dấu mốc lịch sử trong quan hệ Việt Nam-Thái Lan cũng như trong quá trình tham gia của Việt Nam tại diễn đàn APEC.
Liên quan đến công tác chuẩn bị của nước chủ nhà APEC năm nay và sự tham gia của Việt Nam đối với các cuộc họp trong khuôn khổ Năm APEC Thái Lan được triển khai từ đầu năm đến nay, Đại sứ Phan Chí Thành cho biết: Do tính chất là cuộc gặp gỡ các lãnh đạo các nền kinh tế APEC trực tiếp lần đầu tiên sau 4 năm, phía Thái Lan đặc biệt đầu tư vào công tác chuẩn bị cho năm APEC 2022 nói chung và Tuần lễ cấp cao APEC từ 16-18/11 nói riêng nhằm tạo dấu ấn Thái Lan. Chính phủ Hoàng gia Thái Lan coi đây là nhiệm vụ đối ngoại lớn nhất của đất nước trong năm 2022. Khối lượng công việc của nước chủ nhà rất đồ sộ, nhưng có thể tóm tắt như sau:
Về cơ sở vật chất và hậu cần, Thái Lan đã đầu tư kinh phí 3.2 tỷ bạt cho công tác tổ chức năm APEC 2022. Trung tâm Hội nghị quốc gia Nữ hoàng Sirikit, địa điểm tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC- được cải tạo diện rộng và chính thức khánh thành ngày 15/10/2022, với tổng diện tích 30 vạn m2 và có sức chứa lên đến 10 vạn người.
Về bảo đảm an ninh, Thái Lan đã tăng cường an ninh tối đa để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Tuần lễ cấp cao APEC. Dự kiến có hơn 20.000 nhân viên an ninh sẽ được huy động để bảo vệ an toàn cho các sự kiện, tháp tùng lãnh đạo các nền kinh tế. Để đảm bảo an ninh và giao thông thông suốt, chính phủ Thái Lan đã ban bố lịch nghỉ lễ đặc biệt cho cư dân thành phố Bangkok và hai tỉnh phụ cận là Nonthaburi và Samut Prakan trong thời gian từ 16-18/11/2022. Nhiều tuyến đường, nút giao thông, bến tàu điện quan trọng của thành phố cũng bị hạn chế hoặc dừng hoạt động, drone bị cấm bay trong thành phố trong những ngày diễn ra sự kiện.
Về nội dung, trong năm 2022, Thái Lan đã tổ chức rất thành công hơn 120 cuộc họp trong khuôn khổ APEC. Trong vai trò chủ nhà, Thái Lan đề xuất chủ đề xuyên suốt của Năm APEC 2022 Rộng mở-Kết nối-Cân bằng, với tầm nhìn về một APEC mở với tất cả cơ hội, kết nối trên mọi phương diện, cân bằng trên mọi khía cạnh; tập trung vào ba ưu tiên, gồm thương mại và đầu tư mở với tất cả các cơ hội, khôi phục kết nối trên mọi phương diện và thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm trên mọi khía cạnh. Với kinh nghiệm tổ chức nhiều hội nghị quốc tế và sự chuẩn bị rất chu đáo lần này, nước chủ nhà Thái Lan đã sẵn sàng và sẽ tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2022 một cách thành công và an toàn.
Về sự tham gia của Việt Nam, chúng ta đã tham gia tích cực và đầy đủ vào các cuộc họp trong Năm APEC 2022 như các Hội nghị cấp bộ trưởng về thương mại, lâm nghiệp, an ninh lương thực, du lịch, y tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài chính và nhiều cuộc họp ở nhiều cấp khác nhau. Việt Nam luôn chủ động, đóng góp ý kiến, tích cực tham gia vào các hoạt động và quan tâm chung của APEC, đóng vai trò tích cực trong triển khai Kế hoạch Aotearoa về Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ và phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà Thái Lan, các thành viên APEC chủ chốt và các thành viên ASEAN trong APEC, góp phần thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì nguyên tắc thương mại - đầu tư tự do và mở, phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững, bao trùm, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương.