Bị thuyên tắc phổi vì uống thuốc tránh thai suốt 4 năm

Sức khỏe - Ngày đăng : 21:13, 15/11/2022

Uống thuốc tránh thai 4 năm liền, người phụ nữ xuất hiện đau ngực, khó thở, sưng to 1 bên chân, nhập viện cấp cứu và được chẩn đoán bị thuyên tắc phổi cấp liên quan thuốc tránh thai.

Ngày 15/11, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, cơ sở y tế này vừa cấp cứu thành công một phụ nữ bị thuyên tắc phổi cấp, liên quan đến thuốc tránh thai.

Theo đó, nữ bệnh nhân 47 tuổi nhập viện Khoa Cấp cứu do đau ngực, khó thở và sưng to một bên chân. Sau khi khám lâm sàng và đo điện tâm đồ, bác sĩ nghi ngờ người bệnh thuyên tắc phổi cấp, chỉ định chụp CT scan động mạch phổi.

thuoc.jpeg
Loại thuốc tránh thai bệnh nhân sử dụng liên tục trong 4 năm. Ảnh: BVCC

Kết quả ghi nhận huyết khối lớn che lấp gần hoàn toàn động mạch phổi 2 bên.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tim mạch, lúc này, người bệnh rơi vào tình trạng khó thở, suy hô hấp, giảm oxy, nhịp tim nhanh và huyết áp thấp.

BS Nguyễn Thị Tâm - Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết, bệnh nhân nhanh chóng được chỉ định dùng tiêu sợi huyết truyền qua đường tĩnh mạch cho người bệnh. Sau khi truyền tiêu sợi huyết 1 giờ, người bệnh hết khó thở, oxy và huyết áp cải thiện, được dùng chống đông và xuất viện sau 5 ngày.

Các bác sĩ cho biết, thuyên tắc phổi do huyết khối là bệnh lý cấp cứu thường gặp, trường hợp nặng có nguy cơ tử vong đến 60%. Các thống kê cho thấy, tỷ lệ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chiếm tỷ lệ 1/10.000 trong 1 năm.

Tỷ lệ này tăng gấp 3-5 lần nếu uống thuốc ngừa thai có chứa estrogen, làm tăng nồng độ huyết thanh các yếu tố đông máu, giảm yếu tố chống đông tự nhiên như protein S và giảm hoạt tính tiêu sợi huyết. Tỷ lệ huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc huyết khối tăng lên khi liều estrogen tăng lên. Với các viên thuốc ngừa thai phối hợp có chứa từ 10-35 mcg estrogen, nguy cơ sẽ cao gấp 2-4 lần so với nguy cơ ban đầu.

Bác sĩ khuyến cáo, hiện nhiều biện pháp tránh thai như dùng viên thuốc ngừa thai uống, đặt vòng, miếng dán tránh trai, cấy que, triệt sản,… Chị em muốn tránh thai an toàn, hiệu quả cần thăm khám và được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa. Căn cứ vào điều kiện sức khỏe, cơ địa, bệnh nền xơ vữa động mạch, tài chính, sự yêu thích….  bác sĩ sẽ giúp chọn ra biện pháp tránh thai phù hợp nhất cho người phụ nữ.

Chí Tâm