Cháu nuôi có được hưởng tài sản thừa kế?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 08:47, 13/11/2022

Trong trường hợp, ông cụ không có con, di sản thừa kế có thể được chia cho những người thân của cụ như vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, anh ruột, chi ruột, em ruột,…

Hỏi: Gần nhà tôi có một ông cụ không có con mà chỉ có một đứa cháu nuôi (bị bỏ rơi, được cụ nhận về nuôi từ bé). Vừa qua, cụ qua đời do già yếu. Đến nhà, mọi người phát hiện cụ tích góp được 3 cây vàng nhưng không để lại di chúc. Vậy tài sản này xử lý thế nào? Người cháu nuôi có được hưởng không?

chia-di-san-thua-ke.jpg
Ảnh minh họa

Trả lời: Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Huế, (Công ty Luật TNHH XTVN, đoàn luật sư TP Hà Nội) tư vấn như sau:

Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”.

Đối với trường hợp của bạn, ông cụ không để lại di chúc, di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Tuy nhiên, căn cứ theo Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định thì không bao gồm cháu nuôi là người thừa kế theo pháp luật. Đối với hàng thừa kế thứ hai thì quy định là cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Do đó, cháu nuôi không thuộc hàng thừa kế của ông bà.

Trong trường hợp, ông cụ không có con, di sản thừa kế có thể được chia cho những người thân của cụ: vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, anh ruột, chi ruột, em ruột,…

LS Nguyễn Huế