Tin vắn thế giới ngày 11/11: Đan Mạch cho phép Nord Stream AG đánh giá thiệt hại của đường ống dẫn khí đốt
Chuyển động - Ngày đăng : 07:57, 12/11/2022
Indonesia thúc đẩy Tầm nhìn Hàng hải ASEAN
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết nước này đề xuất thiết lập Tầm nhìn Hàng hải ASEAN (AMO) nhằm thúc đẩy hợp tác rộng rãi hơn giữa ASEAN và các đối tác.
Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 25 diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia), bà Retno cho biết: “Vấn đề hàng hải thường chỉ được nhìn nhận từ góc độ an ninh hẹp, song thực tế là tiềm năng hợp tác hàng hải, đặc biệt ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là rất lớn”. Bà nhấn mạnh: “Hợp tác hàng hải phải trở thành tương lai, gắn kết chúng ta với các đối tác thay vì tách rời”.
Indonesia, Malaysia, Thái Lan thúc đẩy hợp tác kinh tế
Hội nghị cấp cao Tam giác Phát triển Indonesia - Malaysia - Thái Lan (IMT-GT) lần thứ 14 đã được tổ chức bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại Phnom Penh (Campuchia).
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) nhấn mạnh rằng việc phê chuẩn Kế hoạch tổng thể IMT-GT giai đoạn 2022 - 2026 là bước đi đầu tiên và việc thực hiện cần tiếp tục được giám sát nhằm hiện thực hóa tầm nhìn IMT-GT 2036. Nhà lãnh đạo Indonesia cũng kêu gọi 3 nước phát triển du lịch halal như một phần trong mục tiêu trở thành trung tâm halal toàn cầu với giá trị thị trường lên tới 7.000 tỷ USD vào năm 2030.
Nga, LHQ đàm phán về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc
Ngày 11/11, Điện Kremlin cho biết Nga và LHQ vẫn đang đàm phán để giải quyết một loạt quan ngại của Nga liên quan đến thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen, dự kiến hết hạn vào ngày 19/11.
Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết trong ngày 11/11, Phó Tổng Thư ký LHQ Martin Griffiths và Tổng Thư ký Hội nghị Thương mại và Phát triển LHQ (UNCTAD) Rebecca Greenspan có cuộc gặp phái đoàn Nga do Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin làm trưởng đoàn tại Geneva (Thụy Sĩ). Ông nhấn mạnh hai bên cần giải quyết một số vấn đề mà Nga quan ngại liên quan thỏa thuận ngũ cốc có tên gọi đầy đủ là Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen và hai bên có sự hiểu biết lẫn nhau.
El Salvador và Trung Quốc khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do
El Salvador và Trung Quốc bắt đầu khởi động quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) nhằm khai thác tiềm năng về kinh tế - thương mại giữa nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và quốc gia 6,8 triệu dân ở khu vực Trung Mỹ.
Quan hệ giữa hai quốc gia này ngày càng gần gũi sau khi El Salvador cắt đứt quan hệ với Đài Bắc Trung Hoa hồi năm 2018. Ngay sau đó, vào năm 2019, Tổng thống Nayib Bukele đã có chuyến thăm Trung Quốc và ký một loạt thỏa thuận liên quan đến các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại El Salvador với trị giá gần 1 tỷ USD.
Đan Mạch cho phép Nord Stream AG đánh giá thiệt hại của đường ống dẫn khí đốt
Ngày 11/11, giới chức Đan Mạch thông báo đã cho phép công ty Nord Stream AG - nhà điều hành tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc - đánh giá thiệt hại tại các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc dưới Biển Baltic trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, sau hành động được cho là phá hoại nhằm vào đường ống này hồi tháng 9 vừa qua.
Thông báo của Cơ quan Địa lý Đan Mạch nêu rõ: "Nord Stream AG đã được cấp phép để tiến hành kiểm tra tại một khu vực nằm trong EEZ của Đan Mạch". Giấy phép trên được cấp cho Nord Stream AG - công ty phần lớn thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) - vào ngày 1/11.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thực hiện chuyến công du dài ngày
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng nước này Antony Blinken sẽ đến thành phố Sharm el-Sheikh (Ai Cập) để tham dự Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), sau đó sẽ tới Campuchia, Indonesia và Thái Lan.
Từ ngày 13 - 16/11 tại Bali (Indonesia), Ngoại trưởng Blinken tháp tùng Tổng thống Joe Biden dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Từ ngày 16 - 17/11 tại Bangkok (Thái Lan), ông Blinken sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) nhằm thúc đẩy các chính sách kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hướng tới thương mại và đầu tư tự do, công bằng, cởi mở, cũng như tăng trưởng bao trùm và bền vững.
Mỹ khẳng định lập trường ngăn chặn Israel sáp nhập khu Bờ Tây
Ttrả lời phỏng vấn của báo chí, Đại sứ Mỹ tại Israel Tom Nides khẳng định Washington "sẽ đẩy lùi mọi nỗ lực của chính phủ mới ở Israel nhằm sáp nhập một phần hoặc toàn bộ khu Bờ Tây". Theo ông Nides, hầu hết các quốc gia Arab tán thành lập trường này của Mỹ.
Ông Borrell đã công bố kế hoạch trên tại cuộc họp của Ủy ban châu Âu (EC) mới đây. Ông tuyên bố liên minh này cần phải điều chỉnh các chính sách quốc phòng để đối phó với môi trường an ninh mới ở châu Âu, trong bối cảnh chiến tranh đã quay trở lại biên giới khu vực.
Quan chức EU đề xuất quân sự hóa mạng lưới đường bộ và đường sắt của châu Âu
Quan chức phụ trách vấn đề an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell vừa đề xuất một kế hoạch hành động mới nhằm cải thiện năng lực của khối này trong vận chuyển nhanh chóng lượng lớn thiết bị quân sự và binh sĩ tới các vùng biên giới Đông Âu.
Tàu chở xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc của Pháp tại căn cứ quân sự Mourmelon-le-Grand. Ảnh: AFP
Anh rơi vào tình trạng khủng hoảng y tế trầm trọng nhất từ trước đến nay
Hàng triệu bệnh nhân tại Anh đang phải chịu đựng cuộc khủng khoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hoạt động của Cơ quan Y tế Công (NHS).
Tháng 10/2022 được ghi nhận là tháng tồi tệ nhất của NHS trên hầu hết các chỉ số thống kê, bao gồm số lần chờ đợi dịch vụ cấp cứu, khám chữa khẩn cấp (A&E), chăm sóc ung thư và phẫu thuật thông thường. Hiện có 7,1 triệu bệnh nhân tại Anh nằm trong danh sách chờ đợi để được điều trị tại bệnh viện, tăng từ 4,4 triệu bệnh nhân trước đại dịch COVID-19.
Fed có thể tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn khi lạm phát hạ nhiệt
Việc lạm phát giá tiêu dùng trong tháng trước giảm mạnh hơn dự kiến có thể cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn, khi chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh trong năm nay đã bắt đầu có kết quả.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố, các chi phí cho các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như tiền thuê nhà tăng ít hơn dự kiến, trong khi chỉ số giá đối với xe đã qua sử dụng, yếu tố chính khiến lạm phát ban đầu tăng mạnh liên quan đến đại dịch, giảm 2,4%, tháng giảm thứ tư liên tiếp. Giá vé máy bay, dịch vụ y tế và quần áo đều giảm.
GDP của Ukraine suy giảm 39% trong tháng 10
Hãng thông tấn Interfax-Ukraine dẫn lời Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, bà Yulia Svyrydenko mới đây cho biết tăng trưởng GDP của Ukraine trong tháng 10 suy giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã ghi nhận mức suy giảm 35% trong tháng 9.
Trước đó cùng ngày, Cơ quan Thống kê nhà nước Ukraine (SSS) cho biết lạm phát đã lên tới 26,6% hồi tháng trước so với cùng kỳ năm ngoái. Tính theo tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 2,5% trong tháng 10.
Bỉ vẫn nhập khẩu hàng trăm triệu viên kim cương của Nga
Thương mại giữa Bỉ và Nga dường như đã gia tăng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nếu xuất khẩu giảm thì nhập khẩu lại tăng, nhưng chủ yếu là do giá tăng. Ngay cả 872 triệu viên kim cương nhập khẩu vào Bỉ cũng phản ánh sự sụt giảm số lượng nhập khẩu từ Nga vào quốc gia Tây Âu này.
Giá thực phẩm ở New Zealand tăng mạnh nhất 14 năm - CPI ở Ireland và Đan Mạch leo thang
Ngày 11/11, Cục Thống kê New Zealand cho biết giá thực phẩm tại nước này trong tháng 10 vừa qua tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2008.
Theo Cơ quan thống kê Ireland, với mức tăng trên, CPI ở nước này đã chạm mức kỷ lục trong 38 năm qua. Tháng 10 vừa qua cũng là tháng thứ 13 liên tiếp CPI ở Ireland tăng ít nhất 5%. Còn tại Đan Mạch, chỉ số CPI tăng tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế. Điện, khí đốt, thực phẩm và xăng là những nhóm hàng hóa có mức tăng mạnh nhất.
Máy bay chở khách Liban trúng đạn lạc
Một chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Middle East Airlines xuất phát từ Jordan tới Liban đã bị trúng đạn lạc khi đang hạ cánh xuống thủ đô Beirut ngày 10/11.
Dẫn lời Chủ tịch hãng hàng không Mohamad El Hout, hãng Reuters đưa tin mặc dù mỗi năm có đến 7-8 máy bay bị trúng đạn lạc từ các khu vực lân cận sân bay Beirut song vụ việc ngày 10/11 là lần đầu tiên ghi nhận đạn trúng một chiếc máy bay đang di chuyển.
Phát hiện máy bay không người lái Iran sử dụng công nghệ EU, Mỹ
Cuộc điều tra mới của Schemes, đơn vị điều tra thuộc công ty truyền thông RFE/RL (Mỹ), đã phát hiện ra rằng các linh kiện điện tử trong máy bay không người lái tấn công (UAV) Mohajer-6 của Iran có nguồn gốc phương Tây.
Theo điều tra của Schemes, tình báo Ukraine đánh giá rằng UAV Iran có chứa các bộ phận của gần 30 công ty công nghệ khác nhau tại Bắc Mỹ, EU, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Phần lớn các công ty này có trụ sở tại Mỹ.
Động đất mạnh kích hoạt cảnh báo sóng thần ở Tonga
Theo Reuters, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ngày 11/11 cho biết một trận động đất có độ lớn 7,1 đã làm rung chuyển khu vực ngoài khơi cách thành phố Neiafu ở quốc đảo Tonga thuộc Nam Thái Bình Dương hơn 200 km về phía Đông-Đông Bắc. Tâm chấn của động đất nằm ở độ sâu 10 km.