Nhiều trẻ bị co cơ mặt, giật mắt vì “nghiện” tivi, điện thoại

Sức khỏe - Ngày đăng : 13:53, 10/11/2022

Sau thời gian sử dụng điện thoại, máy tính nhiều, trẻ bất ngờ bị giật miệng, giật tay chân, lắc cổ... trong vô thức. Sợ con bị động kinh nên bố mẹ hoảng hốt đưa đi khám mới biết nhiều trẻ có dấu hiệu tương tự và được chẩn đoán mắc hội chứng TIC (rối loạn vận động).

Thấy con ăn ngoan mỗi lần trên tivi phát những chương trình quảng có nhiều hình ảnh chuyển động, kèm theo nhạc nền vui nhộn. Chị N.H. (28 tuổi) nghĩ ra một phương pháp, cứ mỗi lần con quấy khóc, không chịu ăn là chị lại mở điện thoại cho bé xem những đoạn phim quảng cáo.

"Sau dần thành quen, cứ mỗi lần cho ăn, hay dỗ bé là tôi lại sử dụng tới chiếc điện thoại của mình. Cũng biết là việc này không tốt cho mắt của con trẻ, nhưng sau nhiều lần sử dụng, con tôi đã hình thành một thói quen về việc này. Đến nay cháu đã được 3 tuổi, nhưng không có chiếc điện thoại thông minh trên tay thì không làm cách nào dỗ cho cháu ăn ngoan được. Tôi thực sự cảm thấy hối hận vì điều đó", chị H. chia sẻ.

dien-thoa.png
Điện thoại là nguyên nhân gián tiếp gây ra rối loạn TIC ở trẻ. Ảnh minh họa

Thấy con mình có một số biểu hiện như nháy mắt mỗi lần sử dụng điện thoại chơi game hay khi tập trung xem các chương trình tivi, nhắc con nhiều lần nhưng cũng không đỡ, chị T.T. (36 tuổi) đã đưa con tới khám tại một cơ sở y tế chuyên khoa về thần kinh tại TP.HCM.

Sau khi kiểm tra và trao đổi cùng chị T. về các thói quen sinh hoạt của bé, các bác sĩ kết luận rằng con chị đã mắc phải hội chứng TIC do căng thẳng thần kinh khi sử dụng điện thoại di động để chơi game.

"Dịp hè vừa qua cháu nghỉ ở nhà, cũng lo con đi chơi nhiều với các bạn ngoài đường nên tôi thường xuyên cho cháu mượn điện thoại di động để chơi game, không ngờ đây lại là một tác nhân dẫn tới hội chứng này ở con tôi. Chắc từ nay tôi sẽ không cho cháu sử dụng điện thoại nhiều như trước nữa", chị T. chia sẻ,

BSCKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM) cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trẻ đến khám và điều trị với các biểu hiện như nheo mắt, lắc đầu liên tục không kiểm soát được, tay chân bị giật... do mắc phải hội chứng TIC. Qua khảo sát, hầu hết những trẻ mắc hội chứng này đều có thời gian xem tivi, sử dụng điện thoại quá nhiều.

"Trẻ xem điện thoại thông tinh, tivi nhiều sẽ có biểu hiện nháy mắt và giật cơ hàm, nhíu mũi. Ngoài ra, trẻ cũng vô thức phát ra các âm thanh như âm hèm trong họng, hít mũi, gằn giọng. Đây là dấu hiệu điển hình của hội chứng TIC", BS Nguyễn Minh Tiến nói thêm.

Rối loạn TIC liên quan đến các biểu hiện về vận động và âm thanh, thường được chia làm 2 nhóm đơn giản và phức tạp. TIC âm thanh đơn giản bao gồm: Thở dài, ho, lẩm bẩm, các âm thanh khác như tặc lưỡi, hắng giọng, la hét… TIC vận động đơn giản bao gồm nháy mắt, chun mũi, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm.

TIC phức tạp kéo dài lâu hơn, diễn ra đồng thời các Tic đơn giản bao gồm TIC phức tạp về vận động như nhại động tác của người khác, vuốt tóc, đá chân, nhảy… hoặc về âm thanh nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh, la hét…

Trong điều trị TIC, các bác sĩ sẽ khai thác rất kỹ nguyên nhân và triệu chứng của trẻ. Sau đó, bác sĩ sẽ chú trọng điều trị triệu chứng và ngăn chặn bệnh từ nguyên nhân.

Qua thực tế điều trị, các bác sĩ cho biết với những trẻ mắc TIC khi được khuyên từ bỏ chơi game, rời xa các thiết bị điện tử, điện thoại, không xem tivi... thì bệnh được cải thiện khá tốt.

Chí Tâm - Duyên Nguyễn