'Thao túng chứng khoán làm thị trường có lúc chao đảo'

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 20:12, 08/11/2022

Đại biểu Quốc hội cho rằng thao túng chứng khoán làm thị trường có những giai đoạn chao đảo, giảm điểm mạnh, gây thiệt hại cho nền kinh tế và nhiều nhà đầu tư.

Thảo luận tại Quốc hội chiều 8/11, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa, dẫn báo cáo của Chính phủ, cho biết thời gian qua lãnh đạo một số tập đoàn tư nhân đã bị khởi tố về tội thao túng chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà Hoa đánh giá cao Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phát hiện, khởi tố điều tra các vụ án này và cho rằng đây là các vụ án "gây rúng động thị trường chứng khoán Việt Nam".

Theo bà Hoa, các vụ án trên cho thấy có bốn hành vi, thủ đoạn chủ yếu thao túng chứng khoán. Thứ nhất là mua bán cổ phiếu không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch của cổ đông lớn, người nội bộ, người có liên quan. Thứ hai, thao túng với thủ đoạn trực tiếp, mượn, thuê người mở nhiều tài khoản chứng khoán nhằm liên tục mua, bán cổ phiếu giữa các tài khoản với nhau, tạo cung - cầu giả, đẩy giá cổ phiếu, sau đó bán thu lợi bất chính. Thứ ba là làm giả hồ sơ, tài liệu tăng vốn khống thông qua tăng cổ phiếu và làm thủ tục phát hành để trục lợi. Cuối cùng là việc tung tin giả trên mạng xã hội, lôi kéo các nhóm tư vấn mua bán cổ phiếu để thao túng, trục lợi.

Nữ đại biểu cho rằng các thủ đoạn nêu trên đã gây thiệt hại nặng cho nhiều nhà đầu tư; làm thị trường chứng khoán có những giai đoạn chao đảo, giảm điểm mạnh; ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn; giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa. Ảnh: Media Quốc hội

Theo bà, nguyên nhân là sơ hở, bất cập của hệ thống pháp luật thị trường chứng khoán và quản lý doanh nghiệp đã tạo thuận lợi cho đối tượng phạm tội lợi dụng để "lách" quy định. Bà dẫn chứng, việc nâng khống vốn điều lệ của doanh nghiệp trước khi niêm yết trên thị trường được các đối tượng thực hiện rất dễ dàng thông qua một loạt thủ thuật nhằm che mắt cơ quan chức năng. Kẻ phạm tội cũng ngày càng tinh vi, liều lĩnh, bất chấp thủ đoạn, thậm chí đưa cả người nhà, người thân tín cùng thực hiện.

Một số cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền buông lỏng trong những giai đoạn nhất định. "Điều đáng lưu ý là, có những hành vi, thủ đoạn đã xảy ra nhiều lần nhưng không bị phát hiện hoặc đã từng bị phát hiện nhưng chỉ bị xử lý hành chính. Điều này tạo nên tâm lý nhờn luật của đối tượng phạm tội", bà Hoa nêu.

Gần đây, số lượng người bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội thao túng chứng khoán tăng lên. Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, việc này không những răn đe đối với người có ý định thao túng thị trường chứng khoán, mà còn giúp nhà đầu tư rút ra các bài học cần thiết. Đây cũng là tín hiệu cho thấy nỗ lực của các cơ quan làm thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh hơn.

Bên cạnh đó, bà Hoa nhất trí với quan điểm của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, không bỏ lọt tội phạm nhưng không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế; xử lý nghiêm người cố ý vi phạm và có yếu tố vụ lợi; tạo điều kiện cho người phạm tội khắc phục vi phạm.

Để khắc phục tình trạng thao túng, nữ đại biểu đoàn Nam Định đề nghị sớm sửa quy định về thị trường chứng khoán và quản lý doanh nghiệp; xử lý nghiêm cá nhân và pháp nhân trực tiếp liên quan nếu đủ dấu hiệu; thông tin kịp thời về phương thức, thủ đoạn phạm tội để cảnh báo, phòng ngừa.

Tại phiên thảo luận sáng, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh) cũng đề cập những vụ án về kinh tế thời gian qua có quy mô lớn, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó có những vụ phạm tội trong công tác quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vốn, an ninh, tiền tệ.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Ủy viên Ủy ban Pháp luật) nhìn nhận năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện tốt việc phối hợp giải quyết các vụ việc từ khâu điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp) ghi nhận kết quả đã đạt được khi nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phanh phui; trong đó có những vụ việc rất phức tạp liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Doanh nghiệp tầm cỡ khi sai phạm cũng được phát hiện, điều tra, xử lý.

Đại biểu tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo phòng, chống các loại tội phạm phát sinh mới như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; tích cực thu hồi tài sản thất thoát, tham nhũng.

Minh Khang