Vĩnh Phúc: Chính sách an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực

Đời sống - Ngày đăng : 13:49, 08/11/2022

Các chính sách an sinh xã hội luôn được tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các giải pháp về việc hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, kịp thời, với sự phối hợp của các cấp chính quyền và nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại tỉnh được triển khai đồng bộ và không ngừng mở rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tỉnh triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững bằng việc đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất, các hợp tác xã, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ. Khuyến khích bà con mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi sang làm du lịch để vươn lên làm giàu. Qua đó, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025 không còn hộ nghèo.

Giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc bố trí 300 - 500 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm nghèo. Mỗi năm, toàn tỉnh có hàng nghìn hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,96% (năm 2016) còn 1,51% (cuối năm 2021). Hiện, hộ nghèo khu vực thành thị tại tỉnh chiếm 0,98%, hộ nghèo khu vực nông thôn chiếm 1,72%. Các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1% gồm thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên và huyện Bình Xuyên. Địa phương có số hộ nghèo thấp nhất tỉnh là thành phố Phúc Yên với 170 hộ, tương đương 0,63%.  

pji.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành thăm, tặng quà gia đình liệt sỹ.

Công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh cũng đạt được thành tựu đáng khích lệ. Chỉ tính giai đoạn từ 2016 - 2020, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho trên 100 nghìn lao động. Bình quân mỗi năm, tỉnh giải quyết việc làm cho 24.000 lượt người. Đây là cơ sở để tỉnh Vĩnh Phúc giảm nghèo bền vững. Vĩnh Phúc phấn đấu đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,08%, tương đương giảm 1.400 hộ nghèo, giảm 0,43% so với đầu năm 2022. Tỉnh đã và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện các làng nghề...

vb2(1).jpg
BHXH tỉnh Vĩnh Phúc nỗ lực phát triển người tham gia BHXH

Thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Lũy kế từ đầu chương trình đến thời điểm 30/9/2022 với tổng dư nợ cho vay đạt 97,47 tỷ đồng. Có 36 khách hàng được hỗ trợ lãi suất (HTLS) với số tiền 184,78 triệu đồng, trong đó có 03 DN được HTLS 179,43 triệu đồng; 33 hộ kinh doanh được HTSL 5,35 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện tốt công tác cho vay thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Ngân hàng đã cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất 4.637,63 triệu đồng; Cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến 6.487,60 triệu đồng; Cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP 150 triệu đồng; Cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 4.479,99 triệu đồng.

Ước tính đến 31/10/2022 toàn tỉnh có 1.140.703 người tham gia đóng bảo hiểm các loại. Trong đó, tham gia BHXH có 246.828 người, chiếm 40,5% lực lượng lao động (bao gồm: BHXH bắt buộc: 229.050 người; BHXH tự nguyện: 17.778 người) tham gia BH thất nghiệp: 211.065 người, chiếm 36,2% lực lượng lao động; tham gia BHYT: 1.122.925 người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,9% dân số. Công tác chi trả, nhất là trả lương hưu và trợ cấp BHXH được thực hiện đồng bộ, nhanh gọn và an toàn đến tận tay đối tượng. Mười tháng đầu năm, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết hưởng BHXH hàng tháng cho 569 người; BHXH một lần cho 7.788 người; Giải quyết ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho 196.926 lượt người; lập danh sách chi trả cho 8.390 lượt người hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Cùng với các địa phương cả nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện mục tiêu thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ; bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển văn hóa, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Đặc biệt, việc nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân luôn được gắn với bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội, với mục tiêu nhất quán, xuyên suốt là: Cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, tăng phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau.


Anh Đức