Năm 2022 chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội
Chính trị - Ngày đăng : 11:31, 08/11/2022
Hình phạt nghiêm minh, không có án oan
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho biết, năm 2022, Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC đã tích cực, chủ động trong công tác xây dựng pháp luật; triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Về công tác của TANDTC, UBTP đánh giá, năm 2022, các Tòa án đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nên chất lượng xét xử và nhiều chỉ tiêu công tác đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội giao. Về cơ bản, các vụ án được đưa ra xét xử đúng thời hạn luật định.
Năm nay, mặc dù số lượng vụ án thụ lý tăng, song số vụ án đã xét xử đạt cao (97,71%), tăng so với năm 2021 và vượt 9,71% so với chỉ tiêu của Quốc hội giao, cho thấy nỗ lực rất lớn của Tòa án các cấp .
Hình phạt được áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc quyết định các bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cơ bản được cân nhắc kỹ lưỡng, chặt chẽ. Tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm thực chất; đã tổ chức được 8.322 phiên tòa rút kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng xét xử. Tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu của Quốc hội . Số vụ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được VKSND chấp nhận đạt cao (1.840 vụ) . Đặc biệt là chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội.
Đáng chú ý, các Tòa án đã khẩn trương đưa ra xét xử nhiều vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ (xét xử sơ thẩm 2.626 vụ với 5.586 bị cáo) , trong đó nhiều vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; áp dụng hình phạt nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Nhà nước;
Các Tòa án cũng chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước bị tội phạm chiếm đoạt hoặc thiệt hại (tuyên thu hồi tài sản trong 840 vụ với 1.995 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng). Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được đưa ra xét xử kịp thời, đúng tiến độ, đúng pháp luật .
Tuy nhiên, theo UBTP, công tác xét xử các vụ án hình sự vẫn còn một số hạn chế. Một số trường hợp áp dụng chưa chính xác tội danh, khung hình phạt, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, áp dụng án treo không đúng; còn một số trường hợp vi phạm thời hạn gửi bản án cho VKSND.
Năm 2022, số lượng các vụ, việc dân sự được TAND các cấp thụ lý tăng so với năm trước (tăng 33.103 vụ việc). Tiến độ giải quyết các vụ việc dân sự, nhất là các vụ án kinh doanh - thương mại đã từng bước được đẩy nhanh. Tỷ lệ giải quyết các vụ, việc dân sự đạt 87,07% , tăng so với năm 2021 và vượt 9,07% so với chỉ tiêu của Quốc hội giao; đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để án quá hạn luật định ; cơ bản đã khắc phục tình trạng hủy án nhiều lần không có căn cứ pháp luật dẫn tới kéo dài việc giải quyết vụ án. Tỷ lệ hòa giải thành đạt cao (49,23%).
Tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết số 96 của Quốc hội (không vượt quá 1,5%) . Các Tòa án đã tổ chức được 4.916 phiên tòa rút kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng xét xử; đã khắc phục cơ bản việc tuyên bản án không rõ, khó thi hành án.
“Nhìn chung, công tác giải quyết các vụ, việc dân sự đạt kết quả đáng ghi nhận; chất lượng xét xử, giải quyết các vụ, việc dân sự, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự tiếp tục được bảo đảm”, UBTP đánh giá.
Tuy nhiên, còn 17 vụ, việc dân sự quá hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan. Một số trường hợp thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ dẫn tới bản án, quyết định bị hủy, sửa. Một số trường hợp còn có vi phạm về thời hạn thông báo thụ lý, chuyển hồ sơ, chuyển giao bản án, quyết định cho VKSND cùng cấp, trả lại đơn khởi kiện, nghị án...
Về công tác xét xử, giải quyết các vụ án hành chính, năm 2022, số lượng các vụ án hành chính được các TAND thụ lý tăng , tỷ lệ xét xử, giải quyết đạt 72,6%, tăng nhiều so với năm trước và vượt 12,6% so với chỉ tiêu của Quốc hội giao.
Theo Chủ nhiệm UBTP, các TAND đã có nhiều cố gắng trong công tác giải quyết án hành chính, trong đó chú trọng thu thập tài liệu, chứng cứ và tổ chức đối thoại giữa các bên; do đó, tỷ lệ đối thoại thành (theo Luật Tố tụng hành chính) đạt 7,09% trên tổng số các vụ án hành chính đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Về cơ bản các vụ án được đưa ra xét xử trong thời hạn luật định; không có vụ án nào quá thời hạn xét xử do nguyên nhân chủ quan.
Còn thiếu cơ sở vật chất
Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga nhấn mạnh, kết quả giám sát chuyên đề của UBTP năm 2022 cho thấy: Một trong những khó khăn của công tác giải quyết, xét xử vụ án hành chính là tình trạng Chủ tịch UBND (hoặc người đại diện) không chấp hành nghiêm quy định của Luật Tố tụng hành chính, không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa chiếm tỷ lệ lớn và kéo dài nhiều năm nay.
Về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tỷ lệ giải quyết đạt cao (62,4%), tăng so với năm 2021 và vượt 2,4% so với chỉ tiêu Quốc hội giao , đây là nỗ lực rất lớn của các Tòa án cần được ghi nhận.
Năm 2022, số vụ việc dân sự đã được hòa giải thành đạt 63% trong tổng số 125.462 vụ việc đương sự đồng ý hòa giải. Số vụ việc khiếu kiện hành chính đã được đối thoại thành đạt 22% trong tổng số 1.584 vụ việc đương sự đồng ý đối thoại. Việc hòa giải thành, đối thoại thành góp phần giảm áp lực trong công tác xét xử; giúp cho vụ việc, khiếu kiện được giải quyết nhanh chóng, không phải đưa ra xét xử, tiết kiệm thời gian, chi phí của cả Nhà nước, người dân và xã hội…
Tuy nhiên, còn số lượng lớn vụ việc dân sự và khiếu kiện hành chính không được các đương sự đồng ý hòa giải, đối thoại. Do đó, các Tòa án cần tiếp tục làm tốt hơn nữa việc giải thích, tuyên truyền pháp luật để các đương sự lựa chọn nhiều hơn phương thức hòa giải, đối thoại tại TAND.
Về triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, UBTP đánh giá: Đến nay, có 622 Tòa án tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với 3.614 vụ án, vụ việc các loại , góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, qua khảo sát của UBTP cho thấy, các Tòa án địa phương chưa được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, kinh phí để tổ chức phiên tòa trực tuyến, nên việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn gặp khó khăn.
UBTP đề nghị Chánh án TANDTC: Tăng cường chỉ đạo các Tòa án tập trung thực hiện kiến nghị tại các Báo cáo thẩm tra của UBTP về nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án, nhất là án hành chính; tiếp tục đẩy mạnh giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tập trung rà soát số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm từ các năm trước chuyển sang để ưu tiên giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị.
Đồng thời, tăng cường công tác tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, qua đó, ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.