Vĩnh Phúc: Nỗ lực duy trì thứ hạng cải cách hành chính
Đời sống - Ngày đăng : 10:55, 08/11/2022
Thực hiện hiệu quả nguyên tắc 4 tại chỗ
Quan điểm lấy người dân, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể của cải cách hành chính, những năm qua, Vĩnh Phúc đã có nhiều sáng tạo, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là đề ra các mục tiêu, lộ trình, giải pháp thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước theo yêu cầu của Chính phủ, trong đó tập trung 6 nội dung là: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Hằng năm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đổi mới cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện hiệu quả nguyên tắc “4 tại chỗ”, gồm tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc và bộ phận "một cửa" các cấp huyện, xã; yêu cầu cán bộ, công chức phải xin lỗi người dân khi chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính.
Vĩnh Phúc Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên toàn tỉnh, sử dụng phần mềm giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh bảo đảm tích hợp, liên thông đồng bộ với Cổng dịch vụ công của tỉnh và quốc gia; bảo đảm tính đồng bộ việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính trong tình hình mới.
Theo đó các cơ quan ban ngành phải công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; thường xuyên rà soát, cập nhật, công bố thủ tục mới ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ; thực hiện cắt giảm, rút ngắn tối thiểu 20% thời gian giải quyết 825 thủ tục hành chính có thời hạn giải quyết trên 10 ngày làm việc; giảm thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Trung ương từ 15 ngày xuống còn 11 ngày; thời gian thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư từ 40 ngày xuống 36 ngày...Lãnh đạo các Ban, Ngành Tăng cường kiểm tra, đôn đốc quy trình xử lý hồ sơ giải quyết hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, nhất là đối với các thủ tục hành chính mức độ 3,4. Ứng dụng công nghệ số trong cải cách hành chính,
Vĩnh Phúc đã áp dụng phần mềm zalo trong tra cứu, thông báo tình trạng giải quyết và kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; kết nối liên thông giữa phần mềm một cửa hành chính công và phần mềm chuyển phát nhanh; cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia bằng hình thức quét mã QR; thực hiện số hóa, liên thông hồ sơ điện tử các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai giữa cơ quan Thuế, Văn phòng đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường; Cung cấp hệ thống chatbot trả lời tự động các ý kiến, kiến nghị của người dân.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, những năm qua, Vĩnh Phúc luôn nằm trong top 15 cả nước về cải cách hành chính. Năm 2018, chỉ số Par Index của tỉnh đứng thứ 14/63 tỉnh, thành; năm 2019 xếp vị trí thứ 10; năm 2020 xếp thứ 15 và năm 2021 vươn lên xếp vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành phố.
Yếu tố quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2020-2025 toàn tỉnh thu hút từ 2 đến 2,5 tỷ USD vốn FDI và từ 20.000 đến 25.000 tỷ đồng vốn DDI.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc xác định cải cách hành chính mà trọng tâm của cải cách thủ tục hành chính là yếu tố quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đạt và vượt chỉ tiêu vốn FDI, DDI đề ra, những tháng đầu năm thứ 2 đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vào cuộc sống, HĐND tỉnh đã ban hành 16 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 39 quyết định nhằm hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý. UBND tỉnh giao 71 nhiệm vụ cải cách hành chính cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường cải cách bộ máy hành chính nhà nước, kiểm tra, tuyên truyền, tập huấn giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các chính sách mới về cải cách hành chính.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đến hết tháng 9/2022, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện 50/71 nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2022 UBND tỉnh giao, đạt 70,4%; thống kê, rà soát 1.050 thủ tục hành chính ở cả 3 cấp, đề xuất đơn giản hóa 43 thủ tục hành chính; đồng bộ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia mới về thủ tục hành chính với Cổng dịch vụ công của tỉnh, đăng tải công khai 1.792 thủ tục hành chính. Trong đó, có 1.368 thủ tục hành chính tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và 285 thủ tục hành chính tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa cấp huyện; 139 thủ tục tiếp nhận và trả kết quả tại cấp xã.
Thống kê của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, từ 15/12/2021 đến 14/9/2022, các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã tiếp nhận 91.587 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó đã giải quyết đúng và trước hạn 83.209 hồ sơ, đạt gần 91%; cấp huyện, cấp xã tiếp nhận 245.672 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt gần 95%. Riêng việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến, 9 tháng đầu năm, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã tiếp nhận 30.974 hồ sơ trực tuyến, đạt 21,5% trên tổng hồ sơ, trong đó có 6.330 hồ sơ mức độ 3, 24.643 hồ sơ mức độ 4.
Hiện đại hóa nền hành chính, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, Vĩnh Phúc đã ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai kết nối với cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp.
Từ ngày 1/1/2022, đưa phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến Igate vào sử dụng tại địa chỉ truy cập dichvucong.vinhphuc.gov.vn, kết nối 744 dịch vụ công mức độ 3,4 với Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ tháng 4/2022 đưa hệ thống LGSP tỉnh Vĩnh Phúc cài đặt, vận hành tại Trung tâm hạ tầng thông tin tỉnh, tạo thành một hệ thống đồng bộ, hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu quản lý.
Tỉnh Vĩnh Phúc quyết tâm duy trì thứ hạng cải cách hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022, UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương chủ động triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức về chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Tiếp tục rà soát, cắt giảm thời gian, tối ưu quy trình giải quyết thủ tục hành chính; đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hướng tới phi địa giới hành chính trên môi trường điện tử và đang dạng hóa phương thức tiếp nhận, giải quyết thủ tục, mang lại sự hài lòng cho nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nâng cao tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 3,4; khuyến khích nghiên cứu, phát huy, áp dụng những sáng kiến thiết thực, hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trục lới cá nhân trong hoạt động hành chính nhà nước.