40 vụ án về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp năm 2022
Chính trị - Ngày đăng : 16:02, 07/11/2022
Còn xảy ra vi phạm pháp luật trong điều tra, truy tố…
Theo Báo cáo của VKSNDTC, năm 2022, Cơ quan điều tra VKSNDTC tiếp nhận hơn 2.700 thông tin về tội phạm; đã xử lý, giải quyết gần 2.580 thông tin, đạt tỷ lệ 95,1%. Cơ quan này cũng đã thụ lý giải quyết 168 nguồn tin về tội phạm, đã giải quyết đạt tỷ lệ hơn 70%, trong đó đã khởi tố điều tra nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng trong hoạt động tư pháp được dư luận xã hội quan tâm; đã thụ lý điều tra 61 vụ/72 bị can, trong đó có 40 vụ/48 bị can về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp (chiếm 65,6%); đã xử lý, giải quyết 43 vụ/55 bị can.
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho hay, cơ quan điều tra còn để xảy ra những vi phạm pháp luật trong hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự, như: không thụ lý giải quyết hoặc thụ lý giải quyết không đúng thẩm quyền một số nguồn tin về tội phạm; vi phạm thời hạn điều tra; vi phạm pháp luật trong việc thu thập, bảo quản và xử lý vật chứng; việc bố trí tạm giữ, tạm giam không đúng quy định...
Bên cạnh đó, công tác quản lý, canh gác, tuần tra, lục soát còn sơ hở, chưa chặt chẽ để người bị tạm giữ, người bị tạm giam trốn, chết do tự sát, cất giấu vật cấm tại buồng giam, giữ; việc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa đảm bảo. Vẫn còn xảy ra trường hợp cán bộ, chiến sỹ cơ sở giam giữ dùng nhục hình đối với người bị tạm giữ, bị tạm giam dẫn đến chết. Điển hình như vụ xảy ra tại nhà tạm giữ Công an quận 11 (TP.Hồ Chí Minh); ở huyện Đức Hòa (Long An) và ở huyện Vũ Thư (Thái Bình).
Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, ngành Kiểm sát đã ban hành 5.840 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật và đã được chấp nhận, tiếp thu 5.828 kiến nghị, kháng nghị (đạt tỷ lệ 99,8%).
Ngoài ra, VKS các cấp cũng tăng cường kiểm sát hoạt động điều tra và trong suốt quá trình giải quyết vụ án; kiên quyết hủy bỏ hoặc không phê chuẩn các quyết định tố tụng thiếu căn cứ, trái pháp luật; phát hiện kịp thời thiếu sót, vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra để kiến nghị yêu cầu khắc phục...
Đáng chú ý, ngành đã tích cực, chủ động rà soát các vụ án tạm đình chỉ điều tra, kịp thời phục hồi và yêu cầu phục hồi giải quyết ngay các vụ án có đủ điều kiện. Cụ thể, VKS các cấp đã tích cực phối hợp với Cơ quan điều tra rà soát và đã phục hồi điều tra gần 4.700 vụ với hơn 3.750 bị can. VKS cũng đã hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với 18 vụ/2 bị can, hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra đối với 13 vụ/7 bị can và yêu cầu điều tra, giải quyết theo đúng quy định pháp luật...
Đề nghị chú trọng các giải pháp
Thẩm tra báo cáo nói trên, Uỷ ban Tư pháp ghi nhận những kết quả đạt được của ngành kiểm sát trong năm 2022. Đáng chú ý, VKS các cấp đã phát hiện, huỷ bỏ hoặc yêu cầu hủy bỏ 139 quyết định không có căn cứ hoặc trái pháp luật của cơ quan điều tra; yêu cầu hủy bỏ 16 quyết định khởi tố vụ án; trực tiếp huỷ bỏ 46 quyết định không khởi tố vụ án, 48 quyết định khởi tố vụ án...
UBTP cũng đánh giá công tác xét phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn về cơ bản được thực hiện chặt chẽ, đúng pháp luật. VKSND đã huỷ gần 600 quyết định tạm giữ; không phê chuẩn hơn 430 quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam; yêu cầu Cơ quan điều tra bắt tạm giam 77 bị can bảo đảm đúng quy định của pháp luật và được Cơ quan điều tra nghiêm túc thực hiện...
Đặc biệt, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh vượt so với yêu cầu của Quốc hội, trong đó tỷ lệ truy tố đúng hạn đạt 100% (vượt 10%); tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,99% (vượt gần 5%).
Tuy nhiên, Uỷ ban Tư pháp cho rằng vẫn còn 20 trường hợp bị đình chỉ trong giai đoạn điều tra, truy tố liên quan đến trách nhiệm của VKSND do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, con số này tăng so với năm 2021. Việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trong một số trường hợp còn chưa chặt chẽ dẫn đến bị can phạm tội mới, bỏ trốn phải ra lệnh truy nã.
Đáng chú ý, mặc dù số lượng án thụ lý giảm nhưng số vụ bị Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được VKSND chấp nhận tăng hơn 32% (593 vụ), đáng lưu ý, có 104 vụ Toà án trả hồ sơ yêu cầu khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới.
Về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, cơ quan thẩm tra lưu ý còn để xảy ra trường hợp VKSND truy tố nhưng Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội, trong khi năm 2021 không có trường hợp nào. Cụ thể, HĐXX sơ thẩm tuyên đã tuyên bảy bị cáo không phạm tội; HĐXX phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại đối với sáu bị cáo...
Cũng theo Uỷ ban Tư pháp, chất lượng truy tố một số trường hợp chưa chặt chẽ, có 60 trường hợp VKSND phải rút một phần quyết định truy tố tại phiên tòa hoặc Tòa án xét xử khác với tội danh, khung hình phạt VKSND đã truy tố. Một số trường hợp kháng nghị thiếu căn cứ dẫn đến VKSND cấp trên phải rút 68 kháng nghị của VKSND cấp dưới.
Uỷ ban Tư pháp đề nghị Viện trưởng VKSNDTC chú trọng thực hiện các giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế được nêu trong báo cáo thẩm tra.